Cà phê Việt Nam: 30 năm và giấc mơ chiếm lĩnh thị trường thế giới
Cà phê Việt Nam từ chỗ chỉ chiếm 0,1% thị phần cách đây 30 năm, đến nay đã chiếm tới 20% thị phần cà phê thế giới và giữ vững vị trí nhà sản xuất lớn thứ hai toàn cầu.
- 12-01-2015Sản lượng càphê Brazil giảm mạnh do ảnh hưởng của hạn hán
- 05-01-2015Người chiến thắng trở thành chiến bại do mưa làm hồi sinh cà phê Brazil
- 23-12-2014Sản lượng cà phê đáng lo ngại
Nổi bật:
- Sau 30 năm, cà phê Việt Nam từ 0,1% thị phần thế giới đến nay đã chiếm tới 20% thị phần.
- Ngành sản xuất cà phê đã tạo công ăn việc làm cho 2,6 triệu lao động và góp phần chuyển dịch nền kinh tế Việt Nam.
- Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng, cơ hội cho cà phê Việt Nam còn rất lớn và ông đang lên kế hoạch xây dựng chuỗi sản xuất cà phê thế giới mang hương vị Việt.
Nhắc đến cà phê, nhiều người sẽ nghĩ đến những cái tên quen thuộc như Brazil, Colombia hay Ethiopia. Nhưng một cái tên hiện đã trở thành nhà sản xuất cà phê khổng lồ thế giới chỉ sau Brazil đó là Việt Nam.
Làm thế nào để chỉ sau 30 năm, cà phê Việt Nam, từ 0,1% thị phần thế giới đến nay đã chiếm tới 20% thị phần cà phê toàn cầu? Đây có lẽ là thắc mắc không chỉ của riêng người Việt Nam, mà còn là thắc mắc của rất nhiều người yêu cà phê thế giới.
Cây cà phê ở Việt Nam đã được phát triển mạnh từ khi Nhà nước thực hiện chính sách cải cách vào năm 1986. Trong những năm 1990, sản xuất cà phê của Việt Nam đều tăng trưởng từ 20-30%. Hiện nay, ngành sản xuất cà phê đã tạo công ăn việc làm cho 2,6 triệu lao động và góp phần chuyển dịch nền kinh tế Việt Nam.
“Người Việt Nam có truyền thống uống trà, giống như người Trung Quốc. Và đến nay, truyền thống này vẫn còn” - Ông Will Frith, Chuyên gia cà phê tại Việt Nam cho biết.
Người Việt Nam thích uống cà phê với một ít sữa đặc có đường hoặc đôi khi là một ly cappucino đánh trứng. Nhưng loại hạt này vẫn phổ biến để xuất khẩu hơn cả.
Cà phê được người Pháp mang sang vào Việt Nam từ thế kỷ 19. Và một nhà máy chế biến cà phê hòa tan chính thức được đưa vào hoạt động tại Việt Nam từ năm 1950. Hiện nay có tới 1/4 cà phê được tiêu thụ tại Anh có nguồn gốc từ Việt Nam.
Các cửa hàng cà phê sang trọng thường mua hạt cà phê Arabica; nhưng Việt Nam chủ yếu lại trồng cà phê Robusta. Hạt cà phê Arabica chỉ chứa từ 1-1,5% cafein; trong khi hạt cà phê Robusta chứa từ 1,6-2,7% cafein làm cho nó có vị đắng và đậm hơn.
“Công thức hóa học phức tạp tạo nên hương vị vốn có trong hạt cà phê. Cafein chỉ là 1 hương vị trong đó” – Frith nói. Một số công ty như Nestle đã có nhà máy chế biến tại Việt Nam thường rang hạt cà phê và đóng gói.
Trong khi đó, Thomas Copple – một chuyên gia kinh tế thuộc Hiệp hội cà phê thế giới (ICO) tại London cho biết, phần lớn cà phê xuất khẩu là hạt cà phê tươi, sau đó được chế biến ở một số quốc gia khác, như Đức chẳng hạn.
Tại Việt Nam, nhiều người dân sống nhờ vào cây cà phê và trong số đó có những người đã “phất” lên từ “vị đắng cà phê”. Một trường hợp điển hình có thể kể đến là ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên với khối tài sản khổng lồ tại Buôn Ma Thuột – “thủ phủ cà phê” của Việt Nam.
Hiện ông Vũ sở hữu 5 chiếc xe Bentleys; 10 chiếc Ferraris và nắm trong tay khối tài sản trị giá 100 triệu USD (theo bình chọn của Forbes). So với thế giới, đây có thể không phải là con số quá lớn; nhưng nếu so với Việt Nam, nơi mà thu nhập bình quân đầu người mới khoảng 1.300USD thì lại là sự khác biệt.
Ở một góc độ khác, ông Vũ cho rằng, cơ hội cho cà phê Việt Nam vẫn rất lớn và ông đang lên kế hoạch xây dựng chuỗi sản xuất cà phê thế giới mang hương vị Việt.
“Chúng tôi muốn mang hương vị cà phê Việt Nam đến với thế giới. Tôi biết, đây là 1 điều rất khó khăn nhưng sang năm tới chúng tôi có thể sẽ cạnh tranh với những thương hiệu lớn, như Starbucks chẳng hạn. Nếu có thể gia nhập thị trường Mỹ, thì việc cà phê Việt Nam chiếm lĩnh thế giới là điều hoàn toàn có thể” – Ông Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ.
Nông dân mất nhiều tỷ đồng vì giá cà phê rớt thảm
Thảo Anh