Các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam
Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ Đối thoại ASEAN-Hàn Quốc, hôm 11/12 tại TP. Busan, Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp ASEAN-Hàn Quốc.
Diễn đàn doanh nghiệp ASEAN-Hàn Quốc là dịp để các nhà lãnh đạo quốc gia cũng như các doanh nghiệp của ASEAN và Hàn Quốc gặp gỡ, thảo luận về tình hình kinh tế khu vực Châu Á; phân tích các cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và cả khu vực cũng như trao đổi kinh nghiệm quản trị, đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực then chốt.
Đây là một trong những hoạt động thiết thực trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN.
Phát biểu trước lãnh đạo hàng trăm doanh nghiệp lớn của ASEAN và Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khái quát những nét nổi bật, những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội gần 30 năm qua, đặc biệt là đến năm 2010 Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người năm nay đạt trên 2.000 USD.
Cùng với phát triển kinh tế, Việt Nam luôn coi trọng bảo đảm an sinh và công bằng xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, bao gồm xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, giáo dục phổ thông và chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng với những nỗ lực của Chính phủ và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm soát tốt lạm phát và giữ mức tăng trưởng kinh tế trung bình 5,6%/năm, xuất khẩu tăng 18%/năm, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh. Nền kinh tế Việt Nam năm 2014 tiếp tục đà phục hồi vững chắc với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 6%.
Đến nay, có hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư trên 17.000 dự án tại Việt Nam với vốn đầu tư khoảng 250 tỷ USD. Hơn 100 tập đoàn, trong đó có nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, trong danh sách 500 tập đoàn hàng đầu thế giới cũng đã có mặt tại Việt Nam.
Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức và cả những hạn chế, yếu kém trong môi trường đầu tư của mình, Chính phủ Việt Nam, từ Trung ương đến chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với các nhà đầu tư để tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc và cùng chung tay có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.
Quốc hội Việt Nam cũng vừa thông qua hai đạo luật rất quan trọng là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp với những bước cải tiến đáng kể về thủ tục đầu tư kinh doanh... theo hướng đơn giản hóa thủ tục và minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh ổn định, bình đẳng và phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: Chính phủ Việt Nam đang tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tài chính và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.
Việt Nam đang đẩy mạnh việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng lớn... đồng nghĩa sẽ có rất nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh mở ra cho khu vực tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư mua cổ phần hay trở thành các đối tác chiến lược trong các doanh nghiệp của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang có nhu cầu lên tới hàng trăm tỷ USD để đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng về điện, năng lượng tái tạo, giao thông đô thị, cảng biển, sân bay... Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng, cung cấp dịch vụ công theo mô hình đối tác công tư (PPP) và đây cũng là thế mạnh của các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, cùng với 8 Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam đang đàm phán 6 Hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao với Liên minh châu Âu EU; với Khối thương mại tự do châu Âu; với Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan; với Hàn Quốc và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Trong đó việc kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc sẽ mở ra cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp cả Việt Nam và Hàn Quốc.
"Tối hôm qua tôi và bà Tổng thống Hàn Quốc đã chứng kiến hai Bộ trưởng của hai nước ký Tuyên bố về kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc. Nhìn tổng quan với triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do FTA trong thời gian tới, môi trường pháp luật, kinh doanh Việt Nam sẽ thay đổi rất lớn, rất căn bản, thuận lợi hơn, cạnh tranh hơn.
Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên nhóm G-20. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh có thể xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang các nước đối tác của Việt Nam với mức thuế xuất thấp và các hàng rào kỹ thuật được dỡ bỏ. Khi đó Việt Nam sẽ là cửa ngõ quan trọng để các nhà đầu tư tiếp cận thị trường các nước ASEAN và mở rộng ra cả các nước EU, Hoa Kỳ... với các cơ chế ưu đãi theo các Hiệp định FTA”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định sự coi trọng và đánh giá cao các dự án đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền các địa phương của Việt Nam sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp của Hàn Quốc đầu tư kinh doanh thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam. Việt Nam luôn coi sự thành công của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng chính là thành công của Việt Nam.\
>>>Sẽ có một “cuộc đổ bộ” lớn về đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam
Theo Nguyễn Hoàng - Nhật Bắc