MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các góp ý của UBKT của Quốc Hội với dự Luật đầu tư (sửa đổi)

UBKT QH tán thành với những mục tiêu và quan điểm xây dựng Luật đầu tư (sửa đổi) như tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên có một số góp ý về một số nội dung cụ thể của dự án Luật.

Chiều 22-4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền của Chính phủ đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cho ý kiến về dự thảo Luật tại phiên họp, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế góp ý một số vấn đề để ban soạn thảo xem xét lại.

Về danh mục lĩnh vực cấm đầu tư (Điều 25)

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định tại dự thảo Luật chưa rõ ràng, dễ gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi thực hiện Luật, do vậy để thực hiện mục tiêu nhà đầu tư có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm và để tạo sự minh bạch trong thực thi đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định chi tiết các lĩnh vực cấm đầu tư ngay trong dự thảo Luật.

Về lĩnh vực, địa bàn và ưu đãi đầu tư (Chương V)

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Luật đầu tư không thay thế được pháp luật chuyên ngành trong việc quy định chi tiết về ưu đãi đầu tư, vì vậy, cách quy định liệt kê các hình thức ưu đãi mà không đi vào cụ thể các nội dung ưu đãi như trong dự thảo Luật là phù hợp.

Luật cần quy định theo hướng minh bạch, công khai và thể hiện quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề thu hút đầu tư như ưu tiên những lĩnh vực công nghệ mới, sản xuất vật liệu mới, năng lượng sạch...

Ngoài ra, với những trường hợp dự án đầu tư lớn cần ưu đãi vượt khung quy định pháp luật, dự thảo Luật đã quy định thẩm quyền của Chính phủ quy định các ưu đãi cho các dự án này (Điều 34), tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định ưu đãi những dự án đầu tư lớn trên cơ sở tờ trình của Chính phủ sẽ hợp lý hơn.

Về phạm vi các dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Điều 41) 

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, hiện nay các dự án hoạt động thương mại, dịch vụ thông thường không ràng buộc với thủ tục và điều kiện cấp Giấy chứng đăng ký nhận đầu tư.

Việc quy định cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém. Hơn nữa, khoản 2 Điều 41 quy định: “Đối với dự án không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này nhà đầu tư có quyền đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Chương này”.

Như vậy, nếu nhà đầu tư thấy cần thiết xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì vẫn có thể thực hiện. 

Ngoài ra, việc bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với các dự án trên không làm mất đi công cụ quản lý của nhà nước bởi các cơ quan quản lý vẫn có thể thực hiện chức năng của mình thông qua công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được pháp luật quy định cụ thể.

 Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định công cụ và chế tài để kiểm soát quản lý dòng vốn đầu tư thực để thực hiện chức năng quản lý vĩ mô.

Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy cần cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng nhưng vẫn phải bảo đảm sự quản lý thống nhất của nhà nước, đặc biệt đối với lĩnh vực góp vốn thực để đầu tư. 

Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư ra nước ngoài (Chương VII) 

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, trong bối cảnh Việt Nam chưa tự do hóa các giao dịch vốn, nước ta rất cần vốn để phát triển kinh tế thì chưa nên khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Việc bỏ hoàn toàn thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp, nhất là để quản lý, kiểm soát dòng vốn. 

Tuy nhiên, để đơn giản hóa thủ tục và khắc phục những tồn tại trong việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài hiện nay, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với việc chuyển từ hình thức cấp Giấy chứng nhận đầu tư sang hình thức đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư; bổ sung quy định “tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài” (khoản 3 Điều 58) và ràng buộc trách nhiệm đối với doanh nghiệp nhà nước của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Điều 61) như trong dự thảo Luật.

Phân cấp đầu tư

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc phân cấp đầu tư theo hướng xác định rõ những ngành, lĩnh vực được phân cấp, những ngành, lĩnh vực có tính chất đặc thù như dầu khí, viễn thông, năng lượng nguyên tử, truyền tải điện... sẽ chỉ thuộc quyền quản lý thống nhất ở cấp trung ương.

Đồng thời với việc phân cấp đầu tư, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý sai phạm cho phù hợp.

Ngoài ra, để phù hợp với quy định của Hiến pháp mới năm 2013 liên quan đến đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (khoản 9 Điều 70 của Hiến pháp), Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc chung để có căn cứ pháp lý về đầu tư cho những đơn vị hành chính này thực hiện. 

 Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài (khoản 3 Điều 3)

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, hiện nay không có tiêu chí thống nhất về mức tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân để xác định khái niệm nhà đầu tư nước ngoài  trong khi đó quy định này lại liên quan đến việc phân biệt đối xử với nhà đầu tư ở một số lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế gia nhập thị trường như phân phối xăng dầu, thuốc chữa bệnh, bất động sản…

Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn cơ sở thực tiễn để đưa ra tiêu chí tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ trở lên, tránh trường hợp nhà đầu tư khai thác kẽ hở pháp luật góp vốn vào những lĩnh vực còn hạn chế gia nhập đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, đề nghị rà soát các khái niệm khác để đảm bảo tính thống nhất pháp luật.

Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên