Các tập đoàn lớn vẫn gặp nhiều vướng mắc trong cổ phần hoá
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về kế hoạch cổ phần hoá, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong năm 2015, nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn đã nỗ lực, thoái vốn đầu tư ngoài nhiệm vụ, lĩnh vực, song đến nay, nhiều đơn vị vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.
- 28-12-2015Cổ phần hóa MobiFone có thể thu về hơn 20.000 tỷ đồng
- 25-12-2015Vì sao EVN khó cổ phần hóa?
- 24-12-2015Các "ông lớn" ngành Công thương đã cổ phần hóa, thoái vốn thế nào trong 4 năm qua?
Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Ninh Văn Quỳnh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết các lĩnh vực như công nghiệp điện, hóa dầu, khí… có đặc thù là vốn của doanh nghiệp rất cao, sự thu hút đối tác trong nước và nước ngoài không hấp dẫn. Đây là thách thức với tập đoàn trong giai đoạn tới.
Đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng (PVcomBank), hiện PVN đang chiếm tỷ lệ sở hữu là 52% vốn điều lệ. Tuy nhiên, tổng vốn điều lệ của ngân hàng này tương đối cao, lên tới 9.000 tỷ đồng (phần nắm giữ của PVN là 4.680 tỷ đồng), nên việc thoái vốn còn phải chờ hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, và Bộ Kế hoạch và Đầu tư... Điều này đồng nghĩa, việc chuyển giao phần vốn này của PVN tại PVcomBank sẽ không thực hiện theo đúng kế hoạch.
Đối với Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), để đảm bảo bộ máy tinh gọn và hiệu quả, TKV đã sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của các công ty thành viên 2 cấp thành công ty 1 cấp, bỏ cấp trung gian để chuyển thành chi nhánh thuộc TKV. TKV đã sắp xếp chuyển đổi 10 công ty con hạch toán độc lập thành chi nhánh hạch toán phụ thuộc công ty mẹ.
Theo lộ trình cổ phần hoá doanh nghiệp, TKV cũng đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hoá 5 đơn vị đảm bảo đúng lộ trình cổ phần hoá các doanh nghiệp theo đúng kế hoạch đặt ra.
Cụ thể, đến nay, TKV đã hoàn thành cổ phần hoá 6 đơn vị; hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hoá 5 đơn vị, hoàn thành thoái vốn một số đơn vị trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với số tiền thu về trên 1.740 tỷ đồng.
Đến nay, TKV đã cơ bản thực hiện đúng tiến độ tái cơ cấu các đơn vị thành viên, đồng thời hoàn thiện mô hình tổ chức và tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh và năng lực cạnh tranh của toàn Tập đoàn.
Tuy nhiên, mặc dù việc chuyển các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sản xuất than thành Chi nhánh của TKV đã đạt được các mục tiêu chính đề ra, nhưng sau khi thực hiện đã phát sinh những khó khăn như Công ty mẹ phải quản lý một số lượng quá lớn về lao động (trên 57.000 người), dẫn đến những phức tạp trong giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp xử lý lao động.
Do các Chi nhánh không có tư cách pháp nhân đầy đủ nên mọi hoạt động của Chi nhánh sẽ phải do công ty mẹ TKV hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trong khi đó Công ty mẹ không có đủ bộ máy và nhân sự để có thể trực tiếp điều hành mọi hoạt động của Chi nhánh theo thẩm quyền.
Vai trò và trách nhiệm của công ty mẹ trong chỉ đạo điều hành tổ chức sản xuất nặng nề hơn, dẫn đến quá tải đối với bộ máy điều hành của cơ quan công ty mẹ. Trong khi đó, các Chi nhánh có đủ năng lực quản lý thì lại vướng về thủ tục pháp lý do không đủ tư cách pháp nhân.
Bên cạnh đó, ở một số đơn vị mặc dù đã triển khai sắp xếp lại nhưng cơ cấu tổ chức bộ máy vẫn tương đối cồng kềnh, số lượng lãnh đạo cấp phó nhiều hơn so với quy định của TKV.
Còn theo ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tập đoàn xác định trong năm năm tới, tập trung đầu tư vào dệt, nhuộm, hoàn tất là chiến lược quan trọng trong việc hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của Tập đoàn, giúp tạo giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh, giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo sự bứt phá của Vinatex để đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD trước năm 2020.
Đối với những tổ chức, nhà cung cấp, khách hàng của Tập đoàn, việc cổ phần hóa Tập đoàn sẽ đảm bảo lợi ích, đồng thời gia tăng về quy mô và hiệu quả kinh doanh. Việc cổ phần hóa sẽ giúp Tập đoàn thu hút được nguồn vốn lớn, tạo cơ sở đầu tư nhà xưởng, công nghệ, nâng cao năng lực cốt lõi, mở rộng quy mô kinh doanh và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tạo cơ hội cho các nhà phân phối, sản xuất trong nước và quốc tế tìm kiếm thị trường mới để đầu tư, phát triển kinh doanh.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cũng cho biết, trước mắt Tập đoàn có ba cơ hội: Xu hướng mở rộng và phát triển thị trường dệt may sang các thị trường chính và thị trường mới nổi; lợi ích do các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Chính phủ đang đàm phán và xu hướng chuyển dịch đơn hàng cũng như đầu tư dệt may vào Việt Nam.
Vinatex nhiều khả năng sẽ được nhận các nguồn hỗ trợ về vốn để đón đầu các dự án đầu tư như nguồn hỗ trợ doanh nghiệp Nhà nước của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn từ các tổ chức tín dụng, tập đoàn và vốn từ các ngân hàng thương mại.
Để tận dụng tốt cơ hội này, Vinatex có chiến lược trọng tâm là xây dựng một mô hình sản xuất kiểu mới cũng như thiết lập mô hình tổ chức doanh nghiệp hiệu quả hơn nữa. Trong đó, chiến lược quan trọng nhất trong đề án tái cơ cấu là phải kết hợp được các đơn vị thành viên và thiết lập chuỗi cung ứng của Tập đoàn để từ đó giúp các đơn vị thành viên giảm thiểu chi phí không cần thiết, năng động hơn và tạo mối quan hệ bền vững giữa các đơn vị trong Tập đoàn.
Vinatex tái cấu trúc, tập trung vào ngành nghề kinh doanh là thế mạnh của Tập đoàn và tập trung phát triển thị trường, theo đuổi chiến lược chuyển đổi mô hình sản xuất từ phương thức sản xuất cắt và may gia công tiến lên phương thức sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM) nhằm đạt được lợi nhuận biên tốt hơn.
Sau khi hoàn thành cổ phần hóa, Vinatex đã tiến hành áp dụng mô hình tổ chức mới, giúp đạt được những mục tiêu như: Đơn giản hóa quy trình quản trị; Xây dựng hệ thống quản lý của các công ty con hiệu quả hơn.
Tập đoàn cũng tiến hành thoái vốn ở các đơn vị không thuộc ngành nghề chính. Trước đó, theo định hướng của Chính phủ Việt Nam đối với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là Nhà nước sẽ không nắm cổ phần chi phối, nhất là đối với ngành dệt may Việt Nam. Chính vì định hướng đó nên Vinatex chỉ giữ 48% cổ phần tại Phong Phú và khuyến khích Phong Phú kêu gọi các nhà đầu tư khác.
Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay, do Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú (PPJ) - công ty con của Tổng công ty Phong Phú, là dự án mẫu của Tập đoàn trong việc kinh doanh theo mô hình ODM và đã kinh doanh thành công trong suốt năm năm qua, nên việc tăng vốn để Phong Phú trở lại thành công ty con của Vinatex lại là rất cần thiết./.