MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cải cách thuế: Tốc độ 10 trong 1

Để đạt mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh vươn lên thứ hạng trung bình của ASEAN - 6 từ năm 2016, Việt Nam đang có rất nhiều việc phải làm.

Riêng ngành thuế phải có 'tốc độ' cải cách gấp 7 lần so với kết quả giai đoạn 2011- 2012 và gấp 10 lần so với kết quả cải cách năm 2013.

Nghị quyết 19 của Chính phủ đã đặt mục tiêu, môi trường kinh doanh của Việt Nam phải vươn lên thứ hạng trung bình của ASEAN - 6 từ năm 2016. Đây là một thách thức lớn đối với nhiều lĩnh vực quản lý kinh doanh Việt Nam. Trong đó, riêng ngành thuế, tài chính sẽ phải giảm thời gian "nộp thuế" tới 701h.

Nói về điều này, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế, ông Bùi Văn Nam khẳng định, ngành thuế đang dốc sức nỗ lực cải cách vì các mục tiêu trên.

Thực tế, trong hai năm qua, quản lý thuế đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ. Năm 2012, Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi, có hiệu lực từ 1/7/2013. Nhiều bước tiến cải cách đã và đang áp dụng mới chưa đầy 1 năm.

Chẳng hạn, tần suất nộp thuế giá trị gia tăng đối với DNVVN có doanh thu năm dưới 20 tỷ đồng đã giảm từ 12 lần/năm xuống chỉ còn 4 lần/năm, mỗi quý 1 lần. Như vậy, số lần nộp thuế của Việt Nam hiện nay đã giảm tới 8 lần.

Từ 1/1/2014, Việt Nam đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 22%. Riêng DNVVN, thuế suất giảm hẳn xuống 20% và sẽ giảm tiếp xuống 17% từ 1/1/2016.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn hồ sơ khai thuế từ 5 ngày xuống 3 ngày, thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế rút ngắn đối với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau từ 60 ngày xuống còn 40 ngày, đối với trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau từ 15 ngày xuống 6 ngày.

Đến nay, đã có nhiều DN áp dụng kê khai thuế qua mạng. Các doanh nghiệp chỉ mất chưa đến 5 phút để hoàn tất thủ tục này tại "nhà". Tổng cục thuế đặt mục tiêu đến tháng 12/2014, cả nước sẽ có 90% doanh nghiệp áp dụng kê khai và nộp thuế điện tử.

{keywords}

Trong hai năm qua, quản lý thuế đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ

Trong báo cáo môi trường kinh doanh Việt Nam 2014 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) vừa công bố cho biết, trong lĩnh vực "nộp thuế", doanh nghiệp ở Việt Nam đang phải tiêu tốn tới 537h nộp thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng, mất 335h nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động. Cùng đó, doanh nghiệp ở Việt Nam phải mất tới 32 lần nộp thuế/năm và tổng mức thuế suất là 35,2%.

Tuy nhiên, theo các các chuyên gia từ Tổng cục thuế, kết quả này chưa thực sự sát với thực tế cải cách ở Việt nam. Tất cả các điểm cải cách mạnh mẽ nhất như trên chưa được phản ánh trong báo cáo môi trường kinh doanh năm 2014 vì, WB và IFC dựa trên dữ liệu chênh lệch 2 năm trước, từ năm 2012.

Bên cạnh đó, khai niệm thuế trong báo cáo rộng hơn, bao gồm cả bảo hiểm xã hội. Tỷ trọng thời gian nộp bảo hiểm chiếm tới 38,42% thời gian chỉ tiêu "nộp thuế", là 335h. Riêng thời gian cho bảo hiểm cũng đã gấp đôi mục tiêu 171h trung bình khu vực, gấp hơn 30 lần Singapore và gấp 10 lần Brunei.

Vì thế, ông Bùi Văn Nam chia sẻ, nếu chỉ một mình ngành thuế cải cách thì không đủ để xoay chuyển kết quả chung cuộc, nên Tổng cục thuế đang đề nghị Bảo hiểm xã hội cùng cần tham gia cải cách.

Thực tế, cải cách thuế ở Việt Nam đã trải qua một quá trình liên tục với kết quả là thời gian ngày càng rút ngắn, tính thuận lợi và hiệu quả tăng lên.

{keywords}

Để đạt mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, ngành thuế phải có 'tốc độ' cải cách gấp 7 lần so với kết quả giai đoạn 2011- 2012 và gấp 10 lần so với kết quả cải cách năm 2013

Năm 2009-2010, theo bảng xếp hạng của WB và IFC, Việt Nam đã tiêu tốn tới 1.050h/năm cho lĩnh vực trên, trong đó, nộp thuế chiếm 650h/năm và nộp bảo hiểm tốn 400h/năm.

Năm 2011-2012, chi phí thời gian cho thuế phí Việt Nam là 941h, giảm 109h. Trong đó nộp thuế còn 569h, giảm 81h, nộp bảo hiểm còn 372h/năm, giảm 28h. Đến nay, năm 2013- 2014, thời gian cho thuế, phí chỉ giảm 69h, trong đó, nộp thuế mới giảm có 32h và giảm 37h cho bảo hiểm.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu giảm tới 701h trong 1-2 năm tới là một áp lực rất lớn lên ngành thuế. Nó đòi hỏi hiệu quả cải cách thuế tới đây phải gấp 7 lần so với kết quả giai đoạn 2011- 2012 và gấp 10 lần so với kết quả cải cách năm 2013.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, các bộ ngành sẽ có nhiều việc phải làm. nhưng riêng Bộ Tài chính và Tổng cục thuế, giảm thời gian nộp thuế tới 701h là nhiệm vụ không dễ dàng.

Ông Cung cũng cho rằng, các bộ sẽ phải học, hiểu và áp dụng theo các phương pháp luận của WB để đưa ra giải pháp. Kết quả các chiến dịch này sẽ tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế.

Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Cúc, Tổng thư ký Hiệp hội tư vấn thuế, ngành thuế Việt Nam còn nhiều dư địa cải cách lớn như việc phải mở rộng triển khai hệ thống đại lý thuế. Đến nay, ở Việt Nam mới chỉ có chưa đến 700 doanh nghiệp kê khai thuế cho hệ thống đại lý và số lượng đại lý mới chỉ có 160 doanh nghiệp tham gia. Đây là con số quá nhỏ bé so với gần 450 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay.

>>>"Đục tường" vồ vập vốn ngoại, ngàn tỷ "đội nón" ra đi


Theo Phạm Huyền

cucpth

VEF

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên