MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cam kết thuế trong các FTA đã ký kết

Theo cam kết về thuế của Việt Nam trong Hiệp định ASEAN, đến 2015, hầu hết các mặt hàng phải về mức 0% đến 5%. Trong đó, 7% mặt hàng được phép linh hoạt đến 2018.

1. Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (ATIGA):

Việt Nam tham gia vào khu vực mậu dịch tự do ASEAN từ năm 1995 và bắt đầu thực hiện các cam kết về thuế từ năm 1999. Theo cam kết về thuế của Việt Nam trong Hiệp định ASEAN, đến 2015, hầu hết các mặt hàng phải về mức 0% đến 5%. Trong đó, 7% mặt hàng được phép linh hoạt đến 2018.

Thực hiện các cam kết này, Việt Nam đã ban hành các Biểu thuế thực hiện thuế suất ưu đãi đặc biệt đến thời điểm 31-12-2014. Kết thúc giai đoạn này, khoảng 72% số dòng thuế của Biểu thuế ATIGA có mức thuế suất là 0%; 3% mặt hàng nhạy cảm được duy trì thuế suất ở mức 5%. Như vậy, còn lại 25% số mặt hàng hiện nay có mức thuế trên 5%.

2. Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA):

Việt Nam tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc từ năm 2002 và bắt đầu thực hiện các cam kết về thuế từ năm 2005. Các cam kết của Việt Nam được chia thành 3 danh mục chính là: Danh mục thu hoạch sớm, Danh mục thông thường và Danh mục nhạy cảm.

Theo cam kết, các mặt hàng thuộc Danh mục thu hoạch sớm được cắt giảm về 0% vào năm 2008; Danh mục thông thường cắt giảm về 0% từ 2005 với linh hoạt cho 250 dòng thuế về 0% vào năm 2018. Danh mục nhạy cảm được chia thành Danh mục nhạy cảm thông thường (giảm thuế về 20% năm 2015 và về 5% từ 2020), Danh mục nhạy cảm cao (về 50% từ 2018).

Thực hiện FTA ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam đã ban hành các Biểu thuế thực hiện thuế suất ưu đãi đặc biệt đến thời điểm 31-12-2014. Theo đó, tính đến 2014, khoảng 45% dòng thuế của Biểu thuế ACFTA có mức thuế suất là 0%. 

Từ 2015, Việt Nam phải cắt giảm thuế quan cho toàn bộ mặt hàng thuộc Danh mục thông thường về 0% (trong đó linh hoạt cho 250 dòng thuế thuộc danh mục linh hoạt xóa bỏ từ 2018) và giảm thuế về 20% cho hàng hóa thuộc Danh mục nhạy cảm.

3. Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA):

Việt Nam tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Hàn Quốc từ năm 2005 và bắt đầu thực hiện các cam kết về thuế từ năm 2007. Cam kết của Việt Nam chia thành 2 danh mục: Danh mục thông thường và Danh mục nhạy cảm.

Theo cam kết về thuế của Việt Nam trong AKFTA, Danh mục thông thường cắt giảm về 0% vào năm 2008. Danh mục nhạy cảm sẽ không xóa bỏ thuế quan mà chỉ giảm về 5% đối với mặt hàng nhạy cảm thường và giảm thuế tùy theo nhóm mặt hàng nhạy cảm cao vào năm 2021.

Thực hiện cam kết về thuế trong AKFTA, Việt Nam đã ban hành các Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt đến thời điểm 31-12-2014. Theo đó, tính đến thời điểm năm 2014, chỉ có khoảng 30% số dòng thuế của Biểu này có mức thuế suất là 0%.

Từ năm 2015, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ thuế quan cho 90% mặt hàng thuộc Danh mục thông thường, 10% còn lại (818 dòng thuế) sẽ được linh hoạt cắt giảm về 0% vào năm 2016 (340 dòng) và 2018 (478 dòng). Bên cạnh đó, tất cả các dòng thuế thuộc Danh mục nhạy cảm thường của Việt Nam sẽ cắt giảm về 20% vào năm 2017.

Như vậy, vào cuối lộ trình (2021), số dòng thuế được xóa bỏ thuế quan trong AKFTA chiếm 85,6% số dòng thuế trong toàn biểu cam kết.

4. Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Nhật Bản (AJFTA):

Hiệp định ASEAN - Nhật Bản gồm 10 nước ASEAN và Nhật Bản bắt đầu thực hiện từ năm 2008. Thực hiện cam kết về thuế, Việt Nam đã ban hành các Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt đến thời điểm 31-3-2015. Biểu cam kết của Việt Nam bao gồm 9.390 dòng thuế với lộ trình cắt giảm đối với 8.771 dòng.

Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 62,2% số dòng thuế trong vòng 10 năm, trong đó xóa bỏ thuế quan sau 10 năm thực hiện Hiệp định đối với 33,8% (năm 2018). Vào năm 2023 và 2024, cam kết xóa bỏ 25,7% và 0,7% số dòng thuế tương ứng.

Như vậy, vào cuối lộ trình (2025) số dòng thuế được xóa bỏ thuế quan chiếm 88,6% số dòng thuế trong toàn Biểu cam kết.

5. Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA):

VJEPA bắt đầu đàm phán từ 2007 và ký kết vào ngày 25-12-2008. Về mức cam kết chung, trong vòng 10 năm kể từ khi thực hiện Hiệp định, Việt Nam cam kết tự do hóa đối với 87,66% kim ngạch thương mại và Nhật Bản cam kết tự do hóa đối với 94,53% kim ngạch thương mại. Vào cuối lộ trình, tức là sau 16 năm thực hiện Hiệp định, Việt Nam cam kết tự do hóa đối với 92,95% kim ngạch.

Thực hiện cam kết về thuế trong VJEPA, Việt Nam đã ban hành các Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt đến thời điểm 31-3-2015. Biểu cam kết của Việt Nam bao gồm 9.390 dòng thuế, trong đó đưa vào lộ trình cắt giảm đối với 8.873 dòng.

Trong vòng 10 năm, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 75,2% số dòng thuế, trong đó 27,5% dòng được xóa ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 40,3% dòng được xóa sau 10 năm thực hiện Hiệp định (2019).

Vào năm 2021, 2024 và 2025, Việt Nam cam kết xóa bỏ 0,1%, 14,9% và 0,8% số dòng thuế tương ứng, Như vậy, trong cả lộ trình thực hiện giảm thuế, số dòng thuế được xóa bỏ thuế quan chiếm khoảng 91% số dòng thuế trong toàn Biểu cam kết.

6. Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA):

Hiệp định AANZFTA được ký kết ngày 27-2-2009 và có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 1-1-2010.

Các cam kết của Việt Nam được chia thành Danh mục thông thường (các mặt hàng xóa bỏ thuế quan) và Danh mục nhạy cảm. Ngoài ra, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan vào năm 2016 cho một số sản phẩm mà Australia và New Zealand đặc biệt quan tâm.

Theo cam kết, các mặt hàng thuộc Danh mục thông thường chiếm 90% số dòng thuế và sẽ được cắt giảm về 0% vào năm 2020. Danh mục nhạy cảm chia thành Danh mục nhạy cảm thường với 6% dòng thuế được cắt giảm dần về 5% từ 2022 và Danh mục nhạy cảm cao chiếm 4% dòng thuế với 1% dòng thuế được loại trừ, số còn lại được duy trì mức thuế suất cao.

Thực hiện cam kết, Việt Nam đã ban hành các Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt đến thời điểm 31-12-2014. Theo đó, thuế suất của khoảng 28% số dòng thuế của Biểu AANZFTA đã về mức 0%.

7. Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA):

Các cam kết về thuế trong AIFTA bắt đầu được thực hiện từ năm 2010. Trong đó, Việt Nam cam kết đưa 81,2% số dòng thuế cấp độ HS 6 số của Biểu thuế NK đạt mức 0-5%. Năm 2024 có 74,5% số dòng thuế của số này đạt mức 0%; 6,7% đạt mức 5%. 93 dòng HS 6 số cắt giảm 50% mức thuế suất, 137 dòng HS 6 số cắt giảm 25% mức thuế suất. Danh mục loại trừ hoàn toàn chiếm 10% còn lại.

Thực hiện cam kết thuế giữa ASEAN và Ấn Độ, Việt Nam đã ban hành các Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt đến thời điểm 31-12-2014 với 12,28% số dòng thuế được đưa thuế suất về 0%. Cụ thể, năm 2010 bắt đầu thực hiện giảm thuế; năm 2018 cắt giảm thuế của 60,71% dòng thuế về 0%; năm 2021 cắt giảm 22,74% số dòng thuế còn lại xuống 0%; năm 2024 thực hiện cắt giảm danh mục nhạy cảm cao và kết thúc lộ trình cắt giảm theo Biểu AIFTA.

8. Hiệp định khu vực mậu dịch tự do Việt Nam - Chile (VCFTA):

VCFTA được ký ngày 11-11-2011 tại Hoa Kỳ, bên lề Hội nghị cấp cap APEC. Thực hiện cam kết thuế trong VCFTA, Việt Nam đã ban hành Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt đến thời điểm 31-12-2016. Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 83,89% số dòng thuế trong 10 năm và xóa bỏ thêm 4,66% dòng thuế trong 5 năm tiếp theo. Các dòng thuế còn lại chỉ giảm đến một mức nào đó hoặc giữ nguyên tại thời điểm thuế NK ưu đãi năm 2009 hoặc loại trừ không cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế quan. Tỷ lệ dòng thuế loại trừ của Việt Nam chiếm khoảng 384 mặt hàng, chiếm 4,02 số dòng thuế của Việt Nam.

Lộ trình cắt giảm thuế quan trong các FTA đối với một số nhóm hàng nhạy cảm:


Ô tô: Theo cam kết trong ASEAN, ngày 1-1-2018, Việt Nam sẽ phải cắt giảm thuế suất của các mặt hàng ô tô xuống 0%. Đây là mức cam kết tự do hóa cao nhất trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Với Trung Quốc, Việt Nam cam kết cắt giảm xuống thuế suất 50% vào năm 2020. Đối với các FTA còn lại, mặt hàng ô tô được bảo hộ ở mức thuế suất NK ưu đãi hiện hành.


Để thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ lộ trình giảm thuế NK trong ASEAN cụ thể như sau: 50% vào năm 2015, 40% vào năm 2016, 30% vào năm 2017 và về 0% vào năm 2018, 2019. Phương án này có mức giảm đều giữa các năm, nới lỏng mức độ bảo hộ, tránh được việc cắt giảm thuế đột ngột về cuối lộ trình. Khi đó, ngành ô tô có thời gian thích nghi với việc cắt giảm thuế theo từng năm trước khi đối mặt với việc xóa bỏ hoàn toàn thuế quan.


Xăng dầu: Theo cam kết trong ASEAN, Việt Nam sẽ phải thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong ASEAN với lộ trình dài nhất vào năm 2024. Cụ thể: Thuế NK dầu nhiên liệu (FO) giảm về 0% từ năm 2014; Dầu diesel, dầu hỏa, nhiên liệu phản lực giảm về 0% từ năm 2016; Khí hóa lỏng giảm 0% vào năm 2018 và Xăng giảm xuống 0% vào năm 2024.


Đối với các FTA còn lại, mặt hàng xăng dầu phần lớn được bảo lưu ở mức thuế suất thuế NK ưu đãi hiện hành, ngoại trừ FTA ASEAN-Hàn Quốc (danh mục nhạy cảm 20% vào năm 2017, 5% vào 2021; danh mục nhạy cảm cao giảm ít nhất 20% thuế suất cơ sở vào năm 2021) và FTA ASEAN – Trung Quốc (danh mục nhạy cảm 0-5% vào năm 2020; danh mục nhạy cảm cao về 20% vào năm 2018).


Thuốc lá: Hiện nay, các mặt hàng thuốc lá của Việt Nam vẫn đang được duy trì trong Danh mục loại trừ. Tuy nhiên, theo yêu cầu của các nước ASEAN, Việt Nam sẽ phải xây dựng lộ trình cắt giảm thuế đối với thuốc lá từ năm 2015 (Indonesia và Malaysia cũng phải thực hiện nghĩa vụ tương tự đối với mặt hàng rượu bia).

(Nguồn: Trích tờ trình 146/ttr-Bộ Tài chính báo cáo gửi Thủ tướng)


huongtt

Theo Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên