Cần xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành
Tổng mức đầu tư cho giai đoạn một của dự án ước tính hơn 5,6 tỷ USD. Nếu phương án rút gọn bao gồm chỉ xây dựng 1 đường băng và nhà ga thì mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD.
Nếu không triển khai xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới cũng như tiến độ chiến lược phát triển giao thông hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đây là nhận định chung của các đại biểu về dự hổi thảo góp ý Báo cáo đầu tư xây dựng Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành tổ chức sáng nay (8/7).
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định sô 703/QĐ-TTG ngày 20/7/2005. Dự án nằm trên diện tích khoảng 25.000 ha thuộc địa bàn 6 xã tỉnh Đồng Nai.
Theo quy hoạch, quá trình xây dựng sẽ chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2014 - 2020), Long Thành sẽ có công suất 25 triệu khách mỗi năm với 2 đường cất hạ cánh. Giai đoạn 2 (2020 - 2030) sẽ có công suất 50 triệu hành khách và giai đoạn 3 (sau năm 2030) sẽ lên 100 triệu hành khách mỗi năm với 4 đường bay.
Theo đó, tổng mức đầu tư cho giai đoạn một của dự án ước tính hơn 5,6 tỷ USD. Nếu phương án rút gọn bao gồm chỉ xây dựng 1 đường băng và nhà ga thì mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Trong đó, vốn Nhà nước và ODA chiếm khoảng 53%, còn lại là tư nhân. Để triển khai dự án giai đoạn 1 cần 5.000 ha đất trong đó 65% chủ yếu là rừng cao su 35%, khoảng 1.025 hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam Nguyễn Nguyên Hùng: Trong 10 năm qua tốc độ tăng trưởng của hàng không nội địa trên 20%/ năm, lượng khách quốc tế tăng 15%/năm.
Theo thiết kế, đến năm 2018-2020 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ đạt công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm, 600 ngàn tấn hàng hoá. Dự báo đến năm 2030 lượng hành khách qua cảng này là 44 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hoá, như vậy Cảng HK Tân Sơn Nhất sẽ bị quá tải. Để nâng công suất phục vụ được như dự báo do vậy phải xây dựng cảng hàng không mới hoặc mở rộng Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, nếu mở rộng Tân Sơn Nhất phải mở về hướng bắc thêm một đường cất cánh, để làm được việc này cần khoảng 350 ha đất và cũng chỉ nâng công suất phục vụ được 50 triệu hành khách, còn với quy mô trên 50 triệu là không đáp ứng được.
Mặt khác nếu xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nếu tính chi phí thu hồi 5.000 ha đất của dự án mất 7,8 tỷ USD, trong khi nếu mở rộng Tân Sơn Nhất chi phí thu hồi đất mất 9,1 tỷ USD.
Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, các cảng hàng không lớn đều nằm cách trung tâm thành phố từ 15-60 km. Với tiêu chí khoảng cách 60km tính từ trung tâm TP Hồ Chí Minh, vị trí quy hoạch Cảng Hàng không Long Thành tại Huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đảm bảo phù hợp với tiêu chí khoảng cách về thời gian vận chuyển hàng hoá, hành khách đi đến TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Công việc quan trọng trước tiên của dự án này là Bộ Giao thông vận tải phải hoàn thiện đề án trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội thông qua về mặt chủ trương vào tháng 10 này .
Theo đánh giá của Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam việc đầu tư xây sân bay Long Thành được cho là khả thi, tỷ suất hoàn vốn dự án khoảng 22,1%, cao hơn mức tiêu chuẩn cho các công trình công cộng tại Việt Nam từ 10% đến 12%.
Tuy vậy, các đại biểu cũng góp ý nên cân nhắc đến gánh nặng nợ nước ngoài. Với tổng thể dự án được đánh giá hiệu quả đối với nền kinh tế, nhưng theo các đại biểu tại hội thảo trong từng hạng mục như nhà ga hành khách, bãi đậu ôtô nên kêu gọi đầu tư tư nhân. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng hàng không kiến nghị Chính phủ cần xem xét các chính sách đặc biệt như bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ, bảo đảm độc quyền, ưu đãi thuế...
Theo Quỳnh Hoa