Dự thảo luật quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng
hoá không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng của người
tiêu dùng. Đại biểu Dương Kim Anh đề nghị thêm cụm từ “tài sản” trước “sức khỏe”.
Bởi vì thực tế có những tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong quá trình
cung cấp không đầy đủ như thông báo với khách hàng. Như tình trạng điện lúc có
lúc không thời gian qua đã gây thiệt hại rất lớn cho nhà sản xuất.
Một cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản nếu điện chỉ cần cắt đột
ngột khoảng 30 giây thôi thì đã thiệt hại 5-6 triệu đồng. Như vậy nơi cung cấp
điện đã gây thiệt hại đến tài sản của người tiêu dùng và phải bồi thường thiệt
hại cho cơ sở sản xuất này, đại biểu Kim Anh phân tích.
Đại biểu Trần Đình Nhã phản ánh nhắn gửi của cử tri, rằng
khi ban hành luật này cần quan tâm đến vấn đề giá cả. Bởi vì bây giờ người tiêu
dùng ở nước ta luôn cảm thấy bị “móc túi” một cách quá đáng trong giá thuốc,
giá sữa, giá dịch vụ.
Đấy là thiệt hại rất nghiêm trọng đối với người tiêu dùng
nên luật cần có quy định điều chỉnh giá cả “trên trời” như hiện nay, đại biểu
Nhã đề nghị.
Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình khi dự án luật đã có quy
định về quảng cáo sản phẩm dịch vụ. Tuy nhiên vẫn đề nghị cần quy định cụ thể
hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ cũng như ủy ban nhân dân các cấp
trong việc bảo vệ lợi ích chung của người tiêu dùng ở lĩnh vực quảng cáo. Nhất
là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe như thuốc trị bệnh, thực phẩm chức năng,
các sản phẩm thiết thực cho sản xuất của nông dân như thuốc trừ sâu, phân bón.
Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội
cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và sẽ được thông qua tại kỳ họp này.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn lo ngại về tính khả thi của một
số nội dung tại dự luật. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào đặt câu hỏi, với truyền thống
đất nước tự sản tự tiêu, với truyền thống quan niệm thuận mua vừa bán và bước
vào nền kinh tế thị trường, liệu có vội vã hay không khi chúng ta thông qua kỳ
họp lần này?
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, trình độ nhiều mặt
ở nước ta cũng còn thấp so với các nước phát triển và các nước đang phát triển
mà pháp luật của chúng ta xây dựng theo hướng của một xã hội hiện đại. Cho nên
đúng là trong thực tế có những quy định của pháp luật thì có tính khả thi, có
quy định của pháp luật thì tính khả thi còn hạn chế. Và cũng có quy định của
pháp luật thì cũng mang tính chất kêu gọi, khuyến cáo.
Theo Nguyễn Lê
Vneconomy