Câu chuyện chuyển giá: Đã là cuộc chơi thì phải tuân thủ luật chơi
“Đã là cuộc chơi có nghĩa là hai bên phải có vừa tôn trọng luật chơi vừa phải có cách tiếp cận cuộc chơi tốt nhất. Ít khi các TNC vì lợi ích của Việt Nam.”
- 05-03-2014“Công thức” chuyển giá: Hai lỗ cộng một lãi
- 25-02-2014Không kiểm soát nổi chuyển giá!
Có vẻ như trong những năm gần đây, khi nhắc đến việc đầu tư của các Tập đoàn đa quốc gia (TNC) tại Việt Nam, người ta ít nghĩ đến những lợi ích TNC đem lại mà nghĩ nhiều hơn đến những thiệt hại do việc chuyển giá gây ra.
Trong buổi tọa đàm do báo Diễn đàn đầu tư tổ chức vào sáng ngày 05/03/2014, chuyên viên tư vấn kinh tế Lê Mai đã hỏi các chuyên gia về một ý kiến cho rằng xét trên bình diện kinh doanh đa quốc gia của một TNC thì việc khai thác lợi thế so sánh ở thị trường này để bù đắp cho thiếu hụt ở thị trường khác; hay lấy lãi chỗ này bù lỗ chố khác nhưng về tổng thể vẫn có lợi nhuận, có vẻ như là một chiến lược bình thường của nhà đầu tư.
Điều này cũng giống như 1 doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều dự án ở nhiều tỉnh thành thì về tổng thể vẫn lãi lớn dù có dự án vẫn bị lỗ. Như vậy có thể coi việc chuyển giá của TNC cũng chỉ là một việc làm bình thường của người kinh doanh?
GS.TSKH Nguyễn Mại - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nói: “Đã là cuộc chơi có nghĩa là hai bên phải có vừa tôn trọng luật chơi vừa phải có cách tiếp cận cuộc chơi tốt nhất. Ít khi các TNC vì lợi ích của Việt Nam.”
Vì vậy, những xung đột về lợi ích là đương nhiên mà đứng trên góc độ là người kinh doanh, các TNC chắc chắn sẽ thực hiện chuyển giá ở các nước nếu luật pháp có kẽ hở. Đứng trước một vấn đề, bao giờ cũng phải so sánh giữa lợi ích và chi phí.
Giáo sư Nguyễn Mại so sánh: “Nhưng bao nhiêu là chuyển giá, con số chuyển giá tính đến thời điểm này là bao nhiêu? Bao nhiêu tiền? Trong khi đó, TNC đã đưa lại cho Việt Nam bao nhiêu nghìn tỷ, đào tạo bao nhiêu cán bộ, đưa lại hàng triệu việc làm...”
Theo ông, không thể chỉ nhìn nhận chuyển giá như là một sự ghê gớm mà cần phải nâng cao hiệu ứng của nhà nước để chúng ta có thể ứng phó được với bất kỳ tình huống nào trong cuộc chơi lớn với các TNC. Chừng nào méo mó thị trường không được điều chỉnh bởi nhà nước thì vẫn gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia.
TS. Luật sư Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC - cũng cho rằng không nên đặt vấn đề chuyển giá như hiệu ứng domino để tạo hiệu ứng không tốt cho việc thu hút đầu tư nước ngoài trong hiện tại và cả tương lai.
"Chúng ta buộc phải hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo ra hành lang pháp lý công bằng cho nhà đầu tư trong nước và cả nước ngoài. Không thể thấy một số doanh nghiệp chuyển giá mà đánh giá sai về những nỗ lực, đánh mất công sức công lao của các doanh nghiệp khác trong việc thu hút vốn đầu tư các tập đoàn đa quốc gia." - ông Quyết nhận định.
Hải Minh