MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chắc chắn Chính Phủ phải cho phép thoái vốn bằng giá thị trường"

Là người bán vốn, doanh nghiệp nhà nước cảm thấy mất mát, nhưng phải chấp nhận.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam đang ở trong tình trạng cầm cự chờ đợi nguồn lực mới giúp hồi phục nền kinh tế. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Phải thấy rằng nền kinh tế của Việt Nam trong 3 năm qua là cực kỳ khó khăn. Nói “cầm cự” ở đây là đối với những doanh nghiệp có tiềm năng thực sự, có khả năng cầm cự. Mục tiêu của họ là duy trì hoạt động để vượt qua giai đoạn khó khăn này và tìm thời cơ để tăng tốc. Còn đối với những doanh nghiệp mà hoạt động trong những năm qua chưa được bài bản, không dựa trên những nền tảng vững chắc thì đã phải trả giá.

Trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập rất sâu vào nền Kinh tế thế giới thì thực ra lúc này chúng ta cũng đang mong chờ kinh tế thế giới ấm lên. Qua những chuyển biến của kinh tế thế giới năm 2013 cho thấy nền kinh tế thế giới có triển vọng hồi phục trong năm 2014. Bên cạnh đó, những chính sách mà nhà nước ta thưc hiện trong thời gian qua đã từng bước mang lại kết quả tích cực bước đầu.

Vì thế ta có thể nói rằng những doanh nghiệp mà hiện giờ vẫn đang tồn tại thì cũng chính là đang cầm cự và mong đợi thời gian tới khấm khá hơn. Tuy nhiên, nếu nói rằng cầm cự để đợi thời cơ, chờ nguồn lực mới thì tôi e là cũng chưa hẳn như vậy. Nguồn lực từ đâu, thời cơ đến từ đâu nếu như bản thân các doanh nghiệp không tự thân vận động. Chẳng có ai chết thay mình cả.

Vậy theo ông thì trong thời gian tới nền kinh tế Việt Nam sẽ có những động lực nào để sáng sủa hơn?

Trước hết ta phải thấy răng sự kiên định của Chính phủ với chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô đã mang lại niềm tin và những kết quả ban đầu đối với các doanh nghiệp cả trong nước và ngoài nước. Điều này thể hiện ở việc kinh tế khó khăn nhưng đầu tư FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng.

Động lực nữa đến từ các doanh nghiệp trong nước. Họ đã ý thức được việc muốn tồn tại và phát triển thì phải điều chỉnh, phải cơ cấu lại sản xuất, kimh doanh. Ngoài công cuộc tái cơ cấu do Nhà nước chủ trương theo Đề án thì chính các doanh nghiệp phải tự mình tái cơ cấu, tìm cho mình hướng đi làm sao phù hợp nhất, thay đổi cách quản lý điều hành để đạt hiệu quả cao nhất.

Nói về việc tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, ông đánh giá thế nào về hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành trong năm tới?

Hoạt động này trong năm 2014 chắc chắn sẽ diễn ra rất sôi động. Một là Chính phủ rất quyết tâm. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng đã khẳng định dứt khoát sẽ thực hiện quyết liệt việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Thực tế thì chúng ta có thể thấy, mặc dù việc tái cơ cấu là hết sức cấp bách nhưng trong năm vừa rồi, việc triển khai chưa được như mong muốn. Nhưng trong năm tới chắc chăn việc nay cần phải đẩy mạnh nếu ta muốn khôi phục nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, thưa ông, việc thoái vốn này trước mắt đang bị vướng mắc ở quy định thoái vốn không thấp hơn mệnh giá. Làm sao để hoạt động này diễn ra suôn sẻ và sôi động được?

Nếu mà mình cứ khăng khăng phải theo quy định này thì việc thoái vốn sẽ rất khó khăn. Một khi chúng ta phát triển nền kinh thị trường thì giá cả phải để cho quy luật của thị trường điều chỉnh. Tôi tin là Chính phủ sẽ xem xét điều này, tức là cho phép bán bằng giá thị trường cho dù giá đó có thấp hơn mệnh giá. Trước đây tài sản của anh có giá 10 đồng nhưng bây giờ thị trường chỉ chấp nhận giá 6 đồng, thì anh phải bán 6 đồng, nếu không sẽ chẳng có ai mua trừ phi bắt ép “ông anh” hoặc “chú em” ngậm đắng mua lại cái khối tài sản với giá trên trời mà rồi đây mình không biết làm gì với nó. Là người bán, doanh nghiệp cảm thấy mất mát, nhưng xã hội được vì thực chất giá trị sử dụng của tài sản không hề thay đổi và nguồn lực sẽ được sử dụng có hiệu quả hơn. Tất nhiên, quá trình thoái vốn phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, có sự kiểm sát và giám sát chặt chẽ, tránh để xảy ra tiêu cực như định giá thấp hơn gía thị trường nhằm trục lợi cá nhân, làm thất thoát tài sản của nhà nước.

Quá trình thoái vốn này bắt đầu đã được mấy năm rồi nhưng tại sao chưa đạt được kết quả như mong muốn? Đó là do chúng ta chưa xây dựng được quy trình thủ tục chặt chẽ. Mặt khác, so với các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển hàng trăm năm thì Việt Nam thực sự chưa có kinh nghiệm xử lý trước những cuộc khủng hoảng tài chính lớn như thế này nên còn lúng túng nhưng tôi tin rằng Nhà nước sẽ có giải pháp thích hợp.

Theo ý kiến cá nhân của ông thì giải pháp như thế nào sẽ thích hợp?

Theo tôi, một là đánh giá lại thực trạng từng tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước để xem mô hình còn phù hợp không, giá trị thực của tài sản còn lại bao nhiêu. Chúng ta tái cơ cấu không chỉ là thoái vốn mà cái chính là tìm ra mô hình quản lý mới để phát triển. Bên cạnh đó cần phân biệt trách nhiệm xã hội và nhiệm vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Một doanh nghiệp nhà nước, nếu chúng ta giao cho cả trách nhiệm xã hội và trách nhiệm kinh doanh có lãi thì thật là khó. Như ở các nước khác, họ có các Doanh nghiệp công ích, không đặt mục tiêu có lãi mà làm việc công ích và được đánh giá trên hiệu quả phục vụ xã hội.

Thứ hai là phải có mô hình cơ chế quản lý hiệu quả nguồn vốn nhà nước. Cần quy được cụ thể trách nhiệm cho những người đứng đầu. Không thể đầu tư ngoài ngành tràn lan mà không phải chịu trách nhiệm. Khi mà trách nhiệm được giao rõ ràng, mô hình đúng sẽ đem lại hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên