‘Chậm chân’, nhà đầu tư Nhật mất cơ hội tại Việt Nam
Lãnh đạo 8 tỉnh của Việt Nam vừa trực tiếp mời gọi và thúc giục các nhà đầu tư Nhật Bản nhanh chân hơn nữa khi quyết định đầu tư vào các địa phương. Sự chậm chân của đối tác Nhật khiến nhiều dự án rơi vào tay các đối thủ khác.
- 12-11-2015Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng
- 07-09-2015Đề xuất vay ODA Nhật Bản đầu tư thêm 2 tuyến metro
- 30-08-2015Đà Nẵng kêu gọi DN Nhật Bản đầu tư
- 22-08-2015Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hơn 4,9 tỷ USD vào Bình Dương
- 20-02-2015Thành phố Hồ Chí Minh - Điểm "giữ chân" nhà đầu tư Nhật Bản
Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao đã chủ trì buổi toạ đàm "Gặp gỡ Nhật Bản" với sự tham gia của Công sứ Nhật Bản, các tổ chức ngoại giao của Nhật và lãnh đạo UBND 8 địa phương của Việt Nam (Quảng Trị, Phú Yên, Tuyên Quang, Long An, Cao Bằng, Ninh Thuận, Cần Thơ, Quảng Bình).
Chậm chân do quá thận trọng
Đánh giá cao dòng vốn của Nhật Bản, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND Cần Thơ, bày tỏ: "Chúng tôi có nhiều dự án rất hi vọng các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia, nhưng các bạn vào chậm quá!"
"Tôi không tiện nêu tên, nhưng gần đây có dự án thuộc lĩnh vực chúng tôi rất mong có sự góp mặt của Nhật, nhưng sau đó, một đối tác khác đã vào ‘chiếm’ rất nhanh. Họ đi đến đâu, doanh nghiệp của họ đi theo đó nên chúng tôi đành phải hợp tác với họ", ông Nam tiếc nuối.
Vị Phó chủ tịch Cần Thơ kể tiếp: "Mới hôm qua, một hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài vào để nghiên cứu cung cấp vốn ODA cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long".
"Chúng tôi không mong muốn các bạn đầu tư những ngành mà chúng tôi không cạnh tranh được với Bình Dương, Đồng Nai (tỉnh lân cận). Cửa mở của chúng tôi là nông nghiệp và du lịch. Hiện nay, các đối thủ đầu tư với Nhật Bản cũng đang quyết liệt tham gia thị trường nay", ông Nam nói.
Ông Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cũng chia sẻ: "Các bạn Nhật hơi quá thận trọng khi xem xét ý tưởng hợp tác với chúng tôi ở dự án nhiệt điện Ninh Thuận'.
Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai và là đối tác thương mại lớn thứ tư đối với Việt Nam. Hiện có 1.400 doanh nghiệp Nhật đang làm ăn ở Việt Nam. Năm 2015, các địa phương đã đón gần 100 lượt các đoàn nghị sĩ, thống đốc, doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm và làm việc, tìm hiểu cơ hội xúc tiến hợp tác ở Việt Nam.
Ông Quang cho biết: "Tỉnh có dự án xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân, một nhà máy thực hiện với đối tác Nga, đang ở giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, nhưng thực hiện với đối tác Nhật, dự án vẫn đang phải cân nhắc, đàm phán thêm".
Thay mặt tỉnh, ông Quang kiến nghị phía Nhật nên đẩy nhanh hơn tiến trình đàm phán, không nên quá thận trọng.
Tại Ninh Thuận, mặc dù đã có thoả thuận hợp tác đầu tư khu công nghiệp Việt Nam - Nhật Bản tại khu công nghiệp Cà Ná từ năm 2010 nhưng đến nay, phía đối tác Nhật vẫn chưa triển khai. Do vậy, tỉnh cũng chưa nhận được đồng vốn FDI nào từ Nhật.
Trước đó, ông Naoki Takeuchi, Giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại - đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, cho hay, nhiều doanh nghiệp Nhật mong muốn thiết lập cơ sở thứ 2, thứ 3 ở Việt Nam, song cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật.
Đề xuất thiết lập quan hệ Việt - Nhật cấp tỉnh
Cũng nhân cuộc gặp mặt này, lãnh đạo 8 địa phương đã tranh thủ giới thiệu, quảng bá về thế mạnh khác biệt ở tỉnh mình.
Đơn cử, Ninh Thuận nhấn mạnh về phân khúc du lịch siêu cao cấp. Cần Thơ thì muốn Nhật rót vốn vào nông nghiệp. Cao Bằng đề xuất hợp tác nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái, khai thác khoáng sản bền vững. Phú Yên muốn Nhật tham gia lĩnh vực hạ tầng đô thị - công nghiệp. Quảng Trị mời Nhật làm dự án điện - khí,...
Đặc biệt, hầu hết các tỉnh đều có nhu cầu được kết bạn với một địa phương có điều kiện tương đồng của Nhật, từ đó đề xuất hợp tác theo hình thức cặp địa phương Việt - Nhật.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch Cần Thơ, bày tỏ mong muốn có thể hợp tác kinh tế với tỉnh Chiba - địa phương có sản lượng nông nghiệp đứng thứ hai ở Nhật, phát triển mạnh về khu nuôi trồng thuỷ sản và du lịch. Đây cũng là tỉnh có nhiều nét tương đồng với Cần Thơ cũng như đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khuôn khổ hợp tác dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, ông Bùi Nhật Quang hy vọng có thể thiết lập quan hệ hợp tác cặp địa phương Việt - Nhật, giữa Ninh Thuận với một tỉnh có điều kiện tương tự ở Nhật Bản để có thể trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Trước những đề xuất này, ông Nguyễn Hoàng Long, Quyền Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoai giao, chia sẻ: "Các tỉnh cần có các dự án cụ thể để làm nền tảng cho việc thiết lập các cặp quan hệ địa phương giữa hai nước. Như vậy, cặp quan hệ mới có thể lâu dài, bền chặt. Cần tránh việc thiết lập quan hệ chỉ vì một chuyến đi rồi lại rơi vào quên lãng".
Tại cuộc gặp, ông Katsuro Nagai, công sứ Nhật Bản tại Việt Nam, đã ghi nhận sự quan tâm của của lãnh đạo các địa phương Việt Nam đối với dòng vốn Nhật.
"Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản và hiện vẫn còn nhiều tiềm năng đầu tư hợp tác giữa hai nước", ông Nagai khẳng định.
Vietnamnet