Chỉ phát triển khi chấp nhận thử thách
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam, về việc tham gia hiệp định này
- 03-03-2016TPP: Cơ hội và thách thức đối với người lao động và tổ chức công đoàn
- 03-03-2016Tham gia FTA, TPP: Nhường ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài?
- 02-03-2016Nên chọn Trường Hải làm mẫu tiếp cận cho ngành công nghiệp ô tô khi vào TPP
- 01-03-2016TS. Trần Đình Thiên: Có khi lực lượng hiểu TPP yếu nhất lại là... quan chức
- 29-02-2016Dệt may vào TPP: Hợp tác và chủ động
Hội nghị “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam: Từ phê chuẩn tới thực hiện” do Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc ngày 4-3 đã phác họa toàn cảnh lợi thế cũng như rào cản mà chúng ta phải đối mặt khi gia nhập hiệp định được đánh giá là “đẳng cấp” nhất hiện nay.
Lợi thế nhờ đi trước
Dù lo ngại về việc TPP có thể khiến chúng ta “hụt hơi” khi tốc độ, cường độ cũng như phạm vi hội nhập quá lớn, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vẫn tỏ ra lạc quan do Việt Nam là quốc gia đi trước nên có nhiều lợi thế.
“Mười năm trước, chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau Trung Quốc. Vào WTO đã chậm, khi hội nhập rồi thì việc cải cách thể chế của chúng ta cũng rất chậm. Kết quả là miền duyên hải của Trung Quốc đã trở thành công xưởng thế giới, còn chúng ta không có gì. Đó là do họ nhanh chân hơn chúng ta. Lần này vào TPP, chúng ta đã nhanh hơn Trung Quốc và hầu hết các nước ASEAN. Với hàng loạt hiệp định đỉnh cao có được, nếu như nỗ lực cải cách thể chế trong nước, chúng ta sẽ vượt lên và lấy lại được khoảng thời gian đã mất” - TS Lộc dẫn giải.
Theo ông Lộc, hội nhập là vấn đề trong nước chứ không phải ngoài biên giới. Với việc tham gia TPP trước các nước trong khu vực, ít ra chúng ta có 5-7 năm lợi thế hơn họ trong việc tiếp cận thị trường, bứt lên, tận dụng được làn sóng đầu tư mới...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, phân tích sau khi tham gia WTO, tuy lúc đó yếu hơn bây giờ nhiều nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng nhanh chóng. Giờ đây, là nước kém phát triển nhất trong TPP nhưng Việt Nam vẫn quyết tâm bước vào sân chơi này vì những lợi ích to lớn. “Kinh tế chỉ phát triển khi chúng ta thay đổi, chấp nhận những thử thách mới. TPP là một xung lực mới, tạo điều kiện ổn định vĩ mô cho doanh nghiệp phát triển” - ông Khánh đúc kết.
Doanh nghiệp phải chủ động
Trước hàng loạt áp lực đối với doanh nghiệp (DN) trong nước khi tham gia TPP như phá sản, bị cạnh tranh gay gắt, dịch chuyển lao động..., TS Vũ Tiến Lộc cho rằng DN cần sát cánh cùng Chính phủ trong việc thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. “Cải cách thể chế không chỉ là việc của nhà nước mà có trách nhiệm của DN. DN phải giám sát, đề xuất cải tiến điều kiện, học tập thế giới. Điều này, DN phải chung tay cùng Chính phủ” - ông Lộc nói.
Đại diện VCCI cũng lưu ý Chính phủ không thể “dắt tay chỉ việc” cho từng DN và làm như thế thì chắc chắn thất bại. Ông cho rằng DN trong nước đủ trí tuệ và động lực để tự biết mình phải làm gì. Tuy nhiên, nhà nước phải là bệ đỡ, tạo môi trường cho DN phát huy thế mạnh.
“Hội nhập trước hết là cuộc chơi của DN lớn, tập đoàn xuyên quốc gia. Trong cuộc chơi đó, các DN nhỏ và vừa dễ bị tổn thương nên cần được hỗ trợ. Nhà nước phải vừa tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng vừa hỗ trợ DN nhỏ và vừa” - ông Lộc gợi ý.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng nhà nước cần hỗ trợ những ngành nghề bị ảnh hưởng nhất khi tham gia TPP, đặc biệt là nông nghiệp.
Đại diện các hiệp hội cũng thừa nhận không có lời giải chung cho các DN khi tham gia TPP. “TP rất hiệu quả với ngành dệt may. Tuy nhiên, đây là lúc mỗi DN phải có sản phẩm, thị trường chiến lược cho mình” - ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhấn mạnh.
Cơ hội “thoát Trung”
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng khi vào TPP, Việt Nam sẽ thu hút được đầu tư từ các đối tác lớn, có công nghệ nguồn. Việc này sẽ tạo khuôn khổ cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. TPP sẽ tạo ra một cân bằng mới từ việc mở rộng thị trường xuất khẩu thay vì xuất khẩu nông sản, nguyên liệu thô sang Trung Quốc. TPP sẽ giúp Việt Nam bớt phụ thuộc và dần dần thoát khỏi Trung Quốc”.
Bà Virginia Foote, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham), nhìn nhận TPP là chìa khóa giúp Việt Nam nói chung và DN nói riêng vươn lên mạnh mẽ, thoát khỏi sự lệ thuộc vào một số thị trường. Hiệp định tự do thế hệ mới này sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế tại Việt Nam, tăng khách du lịch, vốn nước ngoài.
Người Lao Động