MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính quyền hai cấp sẽ xóa được bệnh dân chủ hình thức!

Ngày 28.8, tại TP.HCM, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tổ chức tọa đàm tiếp thu, chỉnh lý chế định Chính quyền địa phương (CQĐP) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Vấn đề chia đơn vị hành chính thành ba cấp hay hai cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở), vấn đề pháp nhân công quyền… là hai trong nhiều nội dung quan trọng được các đại biểu tranh luận tại tọa đàm.

Chính quyền hai cấp phù hợp với thành phố

Theo phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng việc tổ chức chính quyền ba cấp hay hai cấp thì phụ thuộc vào quan niệm của chúng ta. “Chúng ta muốn xã hội lớn và nhà nước nhỏ thì có hai cấp, còn nếu ta muốn chính quyền can hiệp nhiều hơn thì ta có ba cấp”, ông Dũng nói.

Vị phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết thêm, hầu hết các nước đều có hai cấp. Đó là cấp tỉnh ở trên và dưới là cấp cơ sở. “Nhưng cơ sở của Nhật Bản lớn 10 lần ta. Bởi vì nó phải đủ lớn để cung cấp dịch vụ, nó tổ chức được đời sống mà trong đó có tương tác vói dân để làm đời sống chính trị, còn bé quá làm không được. Nên ta muốn có hai cấp thì phải nhập nhiều xã với nhau để đủ độ lớn mà vận hành được. Nếu không nhập thì rõ ràng hai cấp là rất khó khăn”, ông Dũng chia sẻ.

Tuy nhiên ông Nguyễn Sĩ Dũng cho hay, ở thành phố thì hoàn toàn có tổ chức chính quyền hai cấp vì ở địa bàn thành phố không có sự chia cắt.

Còn theo TS Trần Du Lịch cần thống nhất quan điểm tổ chức CQĐP chỉ hai cấp với cơ chế phân quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm một cách minh bạch.

“Việc thay mô hình ba cấp CQĐP hiện hành nhưng không có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thành còn hai cấp chính quyền nhưng có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, được quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình sẽ xóa được tình trạng dân chủ hình thức, đảm bảo được tính chất chính quyền của dân, do dân và vì dân”, ông Lịch nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Lịch cũng cho rằng, việc tổ chức CQĐP hai cấp sẽ tạo điều kiện tổ chức lại hệ thống chính trị tương ứng của mỗi cấp, tinh gọn bộ máy hành chính, tạo điều kiện để cải thiện tiền lương cho cán bộ, công chức.

Đồng tình, ông Phạm Minh Chính – Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh cũng cho rằng, mô hình chính quyền ở đô thị nên là chính quyền hai cấp, ở nông thôn là chính quyền ba cấp. Các đơn vị hành chính ở hải đảo và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thì nên theo mô hình chính quyền một cấp và không tổ chức HĐND.

Nên xem CQĐP là pháp nhân công quyền

Cũng tại tọa đàm có ý kiến cho rằng CQĐP là pháp nhân công quyền, tuy nhiên cũng có ý kiến còn băn khoăn khi dùng khái niệm này.

Đồng tình với quy định “chính quyền địa phương là pháp nhân công quyền” và xem đây là một đổi mới quan trọng về địa vị pháp lý của CQĐP. TS Trần Du Lịch cho biết, theo các quy định hiện hành, chúng ta sử dụng khái niệm Nhà nước để chỉ cho Trung ương lẫn địa phương trên tất cả các lĩnh vực như ngân sách, tài sản, thẩm quyền… Từ đó phân cấp nên nó trở thành nguyên nhân cơ chế xin-cho, thiếu địa chỉ rõ ràng, đặc biệt vô cùng phức tạp về thủ tục hành chính nhưng lại tạo quá nhiều kẽ hở để tiêu cực.

“Do đó, khi xác định CQĐP là một pháp nhân công quyền thì sẽ dẫn đến việc phân định rõ ràng giữa ngân sách quốc gia do chính quyền Trung ương đại diện và ngân sách địa phương thuộc CQĐP (do HĐND quyết định). Sự đổi mới này sẽ tạo cơ sở pháp lý để sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công, Luật Quản lý nợ công…”, ông Lịch nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện – phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, pháp nhân công quyền là điểm mới, nếu phát huy đến nơi đến chốn thì sẽ tạo biến đổi lớn về chất.

Đồng ý với phương án CQĐP phải có thẩm quyền, có tài sản để bảo đảm cho các quyết định. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, GS-TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng vẫn còn băn khoăn với khái niệm pháp nhân công quyền.

Theo vị hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM, qua nghiên cứu sơ bộ thì khái niệm pháp nhân công quyền được đưa ra trong khoa học hành chính của nước Pháp.

“Nhưng bản thân hiến pháp của nước Pháp cũng không hề dùng khái niệm này. Trên thế giới chỉ có hai nước sử dụng khái niệm pháp nhân công quyền là Hiến pháp của Ba Lan và Hiến pháp của Việt Nam Cộng hòa năm 1967. Chúng tôi cho rằng, ta cũng nên suy nghĩ có nhất thiết phải đưa khái niệm này vào không? Phải hết sức thận trọng trong việc sử dụng thuật ngữ mới”, bà Quỳ chia sẻ.

2 phương án cho TP.HCM

Phát biểu kết luận tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, CQĐP là một trong những nội dung quan trọng và khó nhất trong sửa Hiến pháp 1992. Do đó, việc nghiên cứu chế định CQĐP phải đảm bảo tính khoa học, hiện đại, có sức mạnh, chất lượng, đảm bảo gắn kết giữa chính quyền với cơ sở và nhân dân, sao cho gần dân hơn, hiểu dân hơn và qua bộ máy Nhà nước, người dân thể hiện được quyền làm chủ của mình.

Riêng đối với mô hình chính quyền đô thị ở TP.HCM, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, có hai phương án cho TP.HCM lựa chọn: phương án một là quận vẫn tổ chức HĐND, phường bỏ; phương án hai là quận - phường không tổ chức HĐND thì huyện và xã phải tổ chức “vì ở đây đang nông thôn thật và chưa biết bao giờ mới đô thị hóa”.

Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, thành công hay không là ở việc phân cấp quyền hạn, trách nhiệm và tổ chức quản lý của TP. “Vì thế, TP.HCM nên tập trung vào vấn đề phân cấp chức năng, quyền hạn rộng hơn, tổ chức lại bộ máy sao cho hiệu lực, hiệu quả và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Theo Đoàn Quý

cucpth

Sài gòn tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên