Chính sách mới có hiệu lực từ 1/6/2013
Ngày 01/06/2013 là ngày có nhiều quy định, chính sách mới bắt đầu có hiệu lực.
Về hưu sẽ có thêm lương
Từ ngày 1/6/2013, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thí điểm Bảo hiểm
Hưu trí Bổ sung (BHHTBS) với một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong 3-5 năm.
Theo tính toán, nếu người lao động (NLĐ) đóng góp trong 15 năm và sống sau khi nghỉ hưu 15 năm, số tiền được hưởng từ tài khoản hưu trí bổ sung là 5,56 triệu đồng/tháng (trong 15 năm).
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc áp dụng chương trình này là cần thiết, bởi những năm gần đây, tuổi thọ của người Việt Nam tuy tăng lên, nhưng do điều kiện làm việc độc hại nên khi đến tuổi nghỉ hưu, sức khỏe thường suy giảm và hay ốm đau. Do vậy, chỉ với chế độ hưu trí cơ bản sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.
Số tiền NLĐ đóng góp sẽ được chuyển vào tài khoản cá nhân của họ tại ngân hàng (do chủ doanh nghiệp lựa chọn) và sẽ tích lũy cho đến tuổi nghỉ hưu, với mức đóng từ 5-10% mức thu nhập thực tế hằng tháng nhưng không quá 10 triệu đồng.
Gói 30.000 tỷ 'hỗ trợ' bất động sản
NHNN cho vay khoảng 30.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn, trong đó dành tối đa 30% để cho vay đối với doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Lãi suất cho vay năm 2013 là 6%/năm.
Sáng 15/5, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ký ban hành Thông tư hướng dẫn cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP với Bộ Xây dựng và 5 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Viecombank, VietinBank, Agribank, MHB.
Theo thông tư, đối tượng cho vay vốn hỗ trợ bao gồm: các đối tượng mua, thuê, thuê ma nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội.
NHNN cho vay khoảng 30.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN để hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng đủ điều kiện quy định tại Thông tư, trong đó dành tối đa 30% để cho vay đối với doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội. Thời gian giải ngân tối đa 36 tháng.
Thời gian cho vay đối với đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở tối thiểu là 10 năm và tối đa 5 năm với doanh nghiệp. Thời gian được hỗ trợ lãi suất tối đa là 10 năm đối với đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở và 5 năm đối với khách hàng là doanh nghiệp nhưng không vượt quá thời điểm 1/6/2013.
Thành lập hãng hàng không phải có tối thiểu 100 tỷ đồng
Theo Nghị định số 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, Chính phủ quy định rõ vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại là 100 tỷ đồng.
Theo Nghị định, để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện vốn như sau:
Nếu khai thác đến 10 tàu bay thì phải đáp ứng số vốn tối thiểu là 700 tỷ đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 1.000 tỷ đồng nếu khai thác từ 11 đến 30 tàu bay và 1.300 tỷ đồng nếu khai thác 30 tàu bay trở lên.
Đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa các số vốn tương ứng lần lượt là 300 tỷ đồng, 600 tỷ đồng và 700 tỷ đồng.
Lệ phí cấp giấy phép xuất, nhập khẩu giống vật nuôi là 120.000đ/lần
Nội dung trên được quy định tại Thông tư số 37/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 04/4/2013 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý, sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chăn nuôi.
Theo đó, áp dụng mức lệ phí 120.000đ/lần/01 giống đối với cấp giấy phép xuất, nhập khẩu tinh, phôi giống vật nuôi; cấp giấy phép xuất, nhập khẩu môi trường pha chế, bảo tồn tinh, phôi giống vật nuôi; cấp giấy phép xuất, nhập khẩu giống vật nuôi; cấp giấy phép trao đổi quốc tế nguồn gen vật nuôi quý hiếm…
Mức thu lệ phí cao nhất là 180.000 đồng/lần cấp giấy chỉ định phòng thử nghiệm về thức ăn chăn nuôi, chất bảo quản sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.
Về mức thu phí kiểm tra, đánh giá chất lượng lô hàng thức ăn chăn nuôi xuất, nhập khẩu, áp dụng mức thu bằng 0,095% giá trị lô hàng (tối thiểu là 285.000 đồng, tối đa không quá 9.500.000 đồng).
Quy định mới về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế
Kể từ ngày 1-6 tới, các quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế sẽ có nhiều sửa đổi, bổ sung mới như: Điều kiện thực hiện giao dịch điện tử, thời gian nộp hồ sơ thuế điện tử và xác nhận, chứng từ nộp thuế điện tử... nhằm khuyến khích người nộp thuế thực hiện các dịch vụ khai, nộp thuế điện tử.
Theo Thông tư số 35/2013/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 180/2010/TT-BTC ngày 10-11-2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế thì điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế ngoài các quy định tại Thông tư 180 còn phải đảm bảo các điều kiện như: Có chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp; Có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet và có địa chỉ thư điện tử liên lạc ổn định với cơ quan Thuế.
Công Vân