MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho “về vườn” 100.000 công chức “vác ô” là quá ít

Cần 8.000 tỉ đồng để tinh giản 100.000 biên chế, đó là nội dung chính của dự thảo nghị định của Chính phủ vừa được Bộ Nội vụ công bố để lấy ý kiến nhân dân.

Điểm nổi bật của dự thảo nghị định này là những người có hai năm liên tiếp được xếp mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực sẽ bị tinh giản. Hoặc, có hai năm liên tiếp, trong đó có một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và một năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp cũng sẽ bị tinh giản.

Ở các cơ quan nhà nước, đuổi việc một người là chuyện “động trời”. Người nhà nước như con nhà nước, đuổi ai cũng khó, trừ phi bị kỷ luật rành rành. Còn bình thường, dù họ làm việc làng nhàng, thậm chí chẳng làm được gì, cũng không dễ xử lý. Động đến họ là động dến hàng loạt quy định, không khéo chưa đuổi được họ mà nhọc thân vì chuyện thưa kiện.

Với một số quy định mới vừa bổ sung trong dự thảo, các nhà quản lý đã có “cây gậy” pháp lý để xử lý thành phần “ăn không ngồi rồi”. Tất nhiên là phải công bằng, công tâm, loại trừ chuyện phe cánh, trù dập.

Còn ý kiến của nhân dân về dự thảo, dứt khoát là có sự đồng thuận cao. Dân rất muốn đuổi những công chức vô tích sự ra khỏi bộ máy nhà nước để bớt oằn lưng nuôi họ, nhưng dân bất lực.

Nếu như có sự không đồng tình thì đó là tinh giản quá ít so với số công chức “sáng vác ô đi, tối vác về” hiện nay. Đuổi 100.000 người trong 6 năm, vậy trong 6 năm đó có tuyển thêm 100.000 người khác không, hay có thể sẽ tuyển dụng số lượng cao hơn số tinh giản?

Đuổi 100.000 người là quá ít so với bộ máy công chức cồng kềnh có người vô tích sự lên đến 30%. Mất 8.000 tỉ đồng để mời 100.000 người “về vườn”. Nếu mời được 30% các ông bà cô bác “vác ô” (khoảng 800.000 người) thì phải mất 64.000 tỉ đồng. Thế mới hay, tạo ra một bộ máy công chức kém chất lượng để rồi phải bỏ hàng chục ngàn tỉ đồng để xử lý hậu quả.

Hoa Kỳ - nền kinh tế số 1 thế giới với hơn 315 triệu dân nhưng bộ máy chính phủ chỉ có 2,1 triệu người, chưa đến 700.000 công chức trên 100 triệu dân. Việt Nam là nền kinh tế tụt hậu với 90 triệu dân lại có đến 2,8 triệu công chức.

Chỉ cần so hai con số này cũng đủ thấy chúng ta còn lâu mới đạt được trình độ văn minh hành chính của thế giới hiện đại. Và tất nhiên sẽ còn lâu mới giàu có, thịnh vượng, bởi vì tiền của làm ra không đủ nuôi bộ máy công chức dư thừa và xử lý các hậu quả khác do chính nó gây ra.

Theo Lê Thanh Phong

thanhhuong

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên