MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chống nợ thuế: Liệu có ở ngưỡng an toàn 5%?

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Trần Văn Phu, mục tiêu của ngành Thuế đặt ra trong năm 2013 là đưa ngưỡng nợ thuế về 5% trên tổng số thu ngân sách.

Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu này sẽ không hề đơn giản đối với ngành Thuế, đặc biệt trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Cùng với đó, là sự phụ thuộc vào ý thức tự giác, tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế từ người nộp thuế.

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp công tác thuế 6 tháng cuối năm 2013, ngành Thuế đã chỉ ra thực tế rằng, mặc dù Ngành đã đẩy mạnh công tác quản lý nợ thông qua việc giao chỉ tiêu thu nợ đến từng đơn vị, thực hiện rà soát, phân loại nợ kịp thời để đôn đốc, nhắc nhở người nộp thuế cho đến các biện pháp nghiệp vụ cưỡng chế nợ thu, tuy nhiên nợ đọng thuế trong 6 tháng đầu năm 2013 vẫn tăng tới 32% so với thời điểm 31-12-2012 ( tương ứng 64.632 tỷ đồng, tăng 15.497 tỷ đồng).

Trong đó nhóm nợ khó thu chiếm 13,2%, tiền thuế nợ đến 90 ngày chiếm 27,5% và tiền nợ thuế chờ xử lý chiếm 5,5% ( tăng 106,4% so với cuối tháng 12-2012. Hiện vẫn có nhiều địa phương có số nợ thuế tăng hơn 100%.

Tính đến tháng 6-2013, toàn ngành Thuế đã thu được 14.704 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ đến 90 ngày thu được là 4.987 tỷ đồng ( đạt 37,3%), tiền thuế nợ trên 90 ngày thu được là 9.064 tỷ đồng ( đạt 36,9% số nợ tại thời điểm 31-12-2012).

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, về nợ đọng thuế, mặc dù có xu hướng giảm dần qua các năm, tuy nhiên tỷ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu NSNN hàng năm vẫn cao hơn 5% (mức tiêu chuẩn theo quy ước của IMF). Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị ngành Thuế tập trung theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN, tình hình nợ thuế của người nộp thuế để xác định chính xác tiền phạt chậm nộp của từng khoản nợ của người nộp thuế.

Đẩy mạnh việc thực hiện đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và tăng cường biện pháp quản lý nợ đọng thuế. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, ngành Thuế cần thường xuyên tổ chức đối thoại với người nộp thuế để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, để trên cơ sở đó có biện pháp tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN.

Ngành Thuế cam kết từ nay đến cuối năm 2013 sẽ tập trung lực lượng và siết chặt quản lý việc thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo thu hồi kịp thời số nợ thuế vào NSNN, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ thuế mới phát sinh, trong đó tiếp tục giao chỉ tiêu thu nợ tới từng bộ phận tham gia quy trình quản lý nợ.Xây dựng kế hoạch thu tiền thuế nợ năm 2013 theo từng tháng, quý, chi tiết tới từng người nộp thuế, từng khoản thu, từng sắc thuế, từng khu vực kinh tế, địa bàn...

Cơ quan Thuế các địa phương cần chủ động phối hợp với các ngành liên quan trên địa bàn thành lập các tổ liên ngành thu hồi nợ đọng. Ngoài ra, phối hợp với KBNN, Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, Sở Kế hoạch- Đầu tư... thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi nợ đọng.

Bên cạnh đó, cơ quan Thuế các cấp thực hiện nghiêm việc rà soát 100% nợ đọng, phân loại đến từng người nộp thuế; thường xuyên đối chiếu nợ nhằm tránh nợ sai, nợ ảo; đối với số nợ không còn đối tượng thu (bỏ trốn, mất tích) thì lập hồ sơ trình cấp thẩm quyền khoanh hoặc xoá nợ khi có chính sách; nợ thông thường thì lập kế hoạch thu thông qua việc gọi điện, mời lên làm việc, thuyết phục.

Đảm bảo phát hành 100% thông báo đến đối tượng nợ để đôn đốc thu. Với các trường hợp người nộp thuế có hành vi bỏ trốn, tảu tán tài sản thì cần thực hiện ngay các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để đảm bảo thu hồi nợ thuế kịp thời cho NSNN.

Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan Thuế địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện kê khai thuế đúng quy định như: Khi lập chứng từ nộp tiền vào NSNN phải ghi đầy đủ, chính xác tài khoản nộp, tên KBNN nơi thu NSNN, nội dung nộp ( tên sắc thuế, loại thu)... để giảm số nợ không chính xác ( nợ ảo).

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, từ 1-7-2013, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành sẽ bổ sung nhiều quyđịnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong chống nợ thuế như:Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế: Luật hiện hành quy định 7 biện pháp cưỡng chế thuế và phải thực hiện tuần tự từng biện pháp. Luật sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng:

Bổ sung biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu; Trường hợp người nộp thuế có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản thì cơ quan quản lý thuế được lựa chọn áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để đảm bảo thu hồi nợ thuế kịp thời...

Các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về thuế cũng được sửa đổi, bổ sung để làm rõ tính chất khoản tiền phạt chậm nộp là khoản lãi chậm nộp tiền thuế; nâng mức xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế theo mức luỹ tiến: 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày, 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày.

Nâng mức xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn từ 10% lên 20%.

Theo Thu Hằng

cucpth

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên