MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Quốc hội: “Khoán chi…khó lắm”

Trao đổi với báo chí bên hành lang quốc hội về Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết.

Ông ủng hộ phương án này bởi nó đã được áp dụng từ lâu trong lịch sử nước nhà.

Thưa ông, tại các kỳ họp Quốc hội trước, nhiều đại biểu muốn áp dụng hình thức khoán chi đối với một số chức danh, đến nay việc triển khai phương án này thế nào?

Ông Phùng Quốc Hiển: Một cơ chế khoán chi đã được căn cứ vào tiêu chuẩn định mức tức là đã thực hành tiết kiệm.

Cơ chế khoán về phương tiện cũng đã có những ý kiến đề xuất nhưng có lẽ quá trình thực hiện không được như mong muốn. Tức là cũng đã đề xuất nhưng cũng chưa đặt ra sẽ khoán như thế nào. Như khóa trước, Quốc hội có đưa ra như Phó chủ tịch, Ủy viên thường trực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban chuyên trách là bao nhiêu tiền một tháng nhưng chỉ có một người nhận và đó cũng chính là người đề xuất.



Hình minh họa

Thưa ông nếu xét về hiệu quả thì khả thi nhưng sao không triển khai thực hiện?

Ai cũng biết là rất hiệu quả, nhưng phải đưa thành một cơ chế rõ ràng và đã triển khai là phải đồng bộ.

Ví dụ làm thí điểm xong, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra để giảm được số lượng xe công. Chúng ta có thể tính một cái xe khấu hao là bao nhiêu năm, cộng với một lái xe, xăng dầu để có thể quy định khoán. Nhưng nhiều khi mình tính toán như vậy lại cũng không đầy đủ vì còn liên quan đến vấn đề an toàn, khó khăn trong đi lại. Tuy nhiên tôi cũng đồng tình nếu được thực hiện cơ chế đó cũng tốt.

Tuy nhiên cơ chế này, dường như, không nhận được sự đồng thuận của các bộ ngành, địa phương?

Đúng như vậy, bởi vì nhiều khi cơ chế hay chính sách đưa ra mà chưa thấy được tất cả những vấn đề đặt ra. Đồng tiền cũng quý thật nhưng còn nhiều câu chuyện khác nữa mà có thể mình chưa tính hết cho nên những người phải thực hiện cơ chế khoán chưa đồng tình.

Tất nhiên phải nói rõ là nếu làm theo cơ chế này sẽ lợi cho nhà nước và là một cơ chế nên khuyến khích.

 Đã có hay chưa một nghiên cứu đánh giá định lượng được khoản tiết kiệm giữa khoán và thuê hay chưa?

 Mình chưa có nghiên cứu một cách cụ thể mà chúng ta chỉ có một cơ chế khoán cho một cơ quan nhà nước sử dụng kinh phí chung, còn cơ chế khoán về sử dụng phương tiện, khoán sử dụng các trang thiết bị thì chưa cụ thể… Cũng cần nhắc lại lịch sử đời Trần, đời Lê của dân tộc ta cũng đã quy định chi tiết, một cơ quan, một bộ thì được sử dụng một căn nhà bao nhiêu gian, bao nhiêu trái…

Nếu không có một định mức cụ thể thì làm sao tính được kinh phí để khoán?

- Chính vì thế chúng ta phải có tiêu chuẩn định mức. Cho nên điều mà chúng tôi vẫn nhấn mạnh trong báo cáo thẩm tra là muốn đánh giá được thì chúng ta phải xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn định mức hết sức chuẩn.

Nhưng chúng ta đã có rồi thưa ông?

Có nhiều cái đã lạc hậu và không đi vào cuộc sống.

Nhưng trong tờ trình của Chính phủ có nói là đã chuẩn hóa và có những định mức rồi?

- Tiêu chuẩn định mức chúng ta cũng có nhưng quan trọng nhất là tiêu chuẩn định mức đó nó có khả thi không và có hiện thực không hay là đã lạc hậu. Đó là câu chuyện.

Nhiều khi mình đưa ra tiêu chuẩn định mức nhưng lại lạc hậu mất rồi. Như một hội nghị là mức ăn bao nhiêu, nghỉ như thế nào nhưng đến thực tế sau khi đưa ra giá cả lại tăng lên thì vẫn đồng tiền ấy, vẫn đại biểu ấy thì người ta lại phản ảnh là không đủ theo chi phí thực.

Vậy Ủy ban Tài chính Ngân sách có đề nghị Chính phủ xây dựng lại những định mức ấy?

Cái này cũng có khó khăn. Khi tình hình của chúng ta không ổn định nhất là về giá cả thì nhiều khi đặt ra tiêu chuẩn định mức cũng khó khăn.

Nếu việc đặt ra định mức còn khó khăn và chưa khả thi như vậy thì làm sao nói chuyện thực hành tiết kiệm phòng chống lãng phí , thưa ông?

- Ngày xưa kể cả ngoài quốc doanh, người ta cũng có tiêu chuẩn định mức hết, tiêu chuẩn định mức tiêu hao nguyên vật liệu đều có hết.

Bây giờ vẫn còn đang tranh luận nhau là có để hay không để tiêu chuẩn định mức chứ trong thời bao cấp đều có tiêu chuẩn định mức hết. Ví dụ anh sản xuất 1 tấn chè thì hết bao nhiêu than bao nhiêu điện, và chi phí khác đều có tiêu chuẩn hết thậm chí còn được thống nhất toàn quốc, nhưng sau này khi thực hiện cơ chế thị trường thì bắt đầu thấy khó vì tiêu chuẩn định mức còn nhiều câu chuyện lắm.

Vậy phải chăng mới chỉ kêu gọi ở tinh thần, thưa ông?

- Không phải là tinh thần mà trong luật đề nghị hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những lĩnh vực nào sử dụng đến tài nguyên công cộng thì chúng ta phải chặt chẽ và đưa ra những quy định về thực hành tiết kiệm phòng chống lãng phí. Những cái thuộc về quyền định đoạt của người dân như việc ma chay, cưới xin, lễ hội thì chúng ta cũng cần thực hành tiết kiệm chống lãng phí nhưng chỉ sử dụng hình thức khuyến cáo, động viên và cũng có nhắc nhở vì đó không phải là quy phạm pháp luật mà là quy phạm đạo đức để xử lý vấn đề đó.

Luật thực hành tiết kiệm phòng chống lãng phí tập trung vào vấn đề gì?

- Nên tập trung vào việc sử dụng tài sản công còn những gì thuộc về người dân cũng chỉ mang tính khuyến khích động viên và khuyến cáo sử dụng phạm trù đạo đức để nhắc nhở thôi.

Tuy nhiên hiện chưa xử lý được ai là lãnh đạo gây ra lãng phí?

- Chúng ta có chứ, chúng ta phát hiện ra thì yêu cầu đền bù, yêu cầu truy thu hồi và xử lý trách nhiệm. Tuy nhiên, cần phải quyết liệt hơn và mang tính chất răn đe rất cao và phải công khai nêu rõ ra. Công khai chính là điều kiện tốt nhất để chúng ta thực hành tiết kiệm chống lãng phí tốt nhất.

Xin cảm ơn ông

Theo Dương Công Chiến

cucpth

TBNH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên