MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế thị trường thì các khoản thu phải minh bạch

“Thu như thế nào, chi ra sao phải minh bạch, rõ ràng nên càng phải rà soát, thực hiện kỹ càng hơn” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Sáng 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật Phí và lệ phí. Tại cuộc thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, việc thu phí, lệ phí liên quan đến toàn dân.

“Thu như thế nào, chi ra sao phải minh bạch, rõ ràng nên càng phải rà soát, thực hiện kỹ càng hơn” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển, tiếp thu ý kiến ĐBQH, ngay sau kỳ họp thứ 9 kết thúc, thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách và Cơ quan soạn thảo đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát các Luật liên quan; các khoản phí, lệ phí hiện hành; các khoản phí, lệ phí được quy định tại các luật chuyên ngành.

Qua rà soát đã bãi bỏ 5 khoản phí và 6 khoản lệ phí; bổ sung 6 khoản phí; sửa tên 3 khoản phí cho phù hợp và ngoài học phí, viện phí đề xuất chuyển sang giá thì thêm 4 khoản phí chuyển sang cơ chế giá bao gồm: phí kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc; phí kiểm tra, kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm; phí kiểm dịch y tế; phí phòng chống dịch bệnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, kinh tế thị trường thì các khoản thu phải minh bạch, thủ tục hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí cũng phải rõ và phải hết sức đơn giản.

“Cần làm rõ cái nào là giá, cái nào là phí và lệ phí để từ đó rà soát, hình thành danh mục trình Quốc hội. Cần có một danh mục phí, lệ phí các loại thì Quốc hội chưa thông qua luật này, thủ tục thu và nộp phải thật đơn giản” – Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Về vấn đề này, qua thảo luận tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định ngay trong Luật Danh mục chi tiết phí, lệ phí bảo đảm rõ ràng, minh bạch. Có ý kiến đề nghị luật chỉ quy định nhóm danh mục phí và lệ phí, danh mục chi tiết giao Chính phủ quy định.

Số lượng Danh mục phí và lệ phí hiện nay khá lớn, nếu quy định chi tiết ngay trong Luật là không khả thi. Qua 13 năm thực hiện, Pháp lệnh phí, lệ phí không phát sinh vướng mắc. Kinh nghiệm các nước, các khoản phí, lệ phí đều giao cho Bộ Tài chính và Hội đồng địa phương (bang, địa phương) quyết định mức thu và quản lý sử dụng phí, lệ phí thu được.

Do đó, kế thừa quy định hiện hành, Bộ Tài chính đề nghị Dự thảo luật chỉ quy định Danh mục phí và lệ phí theo nhóm dịch vụ và giao Chính phủ quy định Danh mục chi tiết của từng loại phí, lệ phí là phù hợp với thực tiễn và khả thi.

Thảo Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên