Chủ tịch JICA: Nguồn vốn ODA đang được phát huy hiệu quả
Nhật Bản hiện là nhà tài trợ vốn ODA lớn nhất tại Việt Nam với số vốn lên tới 32 tỷ USD.
Trong suốt 20 năm qua, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - cơ quan điều phối quan trọng nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là môi trường, y tế, giáo dục. Nhân chuyến làm việc của Cơ quan này Việt Nam, nhóm phóng viên Đài THVN đã phỏng vấn nhanh ông Akihiko Tanaka, Chủ tịch JICA Nhật Bản.
Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, vậy ông đánh giá thế nào về hiệu quả sử dụng nguồn vốn này của Việt Nam trong thời gian qua?
Ông Akihiko Tanaka: 20 năm qua, Nhật Bản đã cung cấp ODA nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách cơ chế, chính sách.
Trong chuyến công tác này, tại công trình xây dựng nhà ga T2 Sân bay Nội Bài, tôi cảm nhận được sự cần thiết phải xây dựng các cơ sở hạ tầng với quy mô lớn để Việt Nam phát triển hơn nữa. Mặt khác, tôi cảm động sâu sắc khi thấy Bệnh viện Bạch Mai với sự hỗ trợ lâu dài của Nhật Bản đã và đang góp phần cung cấp dịch vụ y tế với chất lượng cao cho đông đảo người dân Việt Nam. Hơn nữa tôi rất vui mừng khi chứng kiến người Việt Nam và người Nhật Bản cùng nhau sát cánh làm việc tại các dự án.
Theo ông, Việt Nam cần làm gì để sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản?
Ông Akihiko Tanaka: Với sự hợp tác chặt chẽ của hai phía Việt Nam và Nhật Bản, ODA Nhật Bản đã và đang phát huy một cách có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Trong thời gian tới chúng tôi rất mong sẽ tiến hành bàn bạc thảo luận cụ thể với phía Việt Nam để xem xét khả năng và cách thức phía Nhật Bản hỗ trợ một cách hiệu quả trong những lĩnh vực cần thiết.
Vừa qua có một số dự án ODA của Nhật Bản bị chậm tiến độ, theo ông cả hai phía cần phải làm gì để cải thiện tình trạng này?
Ông Akihiko Tanaka: Có một thực tế là tại một số dự án có phát sinh kéo dài thời gian thực hiện do chậm trễ trong thu hồi đất và giải phóng măt bằng, đồng thời cũng còn tồn tại một số vấn đề do sự chậm trễ xây dựng khung văn bản pháp lý liên quan. Đứng trên lập trường của cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản, chúng tôi sẽ tiến hành trao đổi, thảo luận cũng như hỗ trợ xây dựng các quy định liên quan trong trường hợp cần thiết nhằm hướng tới giải quyết các vấn đề.
Xin ông cho biết những ưu tiên và định hướng của JICA trong chính sách ODA với Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Akihiko Tanaka: Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ một cách cân bằng trên phương diện rộng, tập trung vào ba lĩnh vực trọng điểm: Thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế. Thứ hai, tăng cường quản trị Nhà nước và thứ ba là hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương, với phương châm cơ bản là hỗ trợ cho Việt Nam đạt được mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.
Trong tương lai, JICA mong muốn sẽ tích cực hỗ trợ cả trong lĩnh vực cải cách DNNN, các biện pháp ứng phó với các vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu… để Việt Nam có thể phát triển kinh tế xã hội hơn nữa.
Theo Nguyễn Trung