Chủ tịch Las Vegas Sands: 'Tôi không kiếm tiền của người nghèo'
Chia sẻ dự định đầu tư vào Việt Nam, Chủ tịch Las Vegas Sands - Sheldon Adelson cho biết mục đích khi mở sòng bạc không phải để kiếm tiền của người nghèo.
- 08-02-20126 tỷ USD cho casino ở VN: Liệu Sands có chịu xuống nước?
- 08-02-2012Quảng Ninh muốn mở casino 4 tỷ USD tại Vân Đồn
- 07-02-2012Las Vegas Sands đầu tư vào Việt Nam: Casino là “rào cản lớn nhất”
- 06-02-2012Las Vegas Sands đầu tư vào Việt Nam: Casino là “rào cản lớn nhất”
Tỷ phú 78 tuổi này cũng không bao giờ vào chơi tại các casino.
- Sau Singapore, Las Vegas Sands đang dự định đầu tư lớn vào Việt Nam. Đâu là nguyên nhân khiến ông và các đồng sự đưa ra quyết định này?
- Lý do duy nhất là nhu cầu của Việt Nam rất hòa hợp với chuyên môn của chúng tôi. Việt Nam muốn thúc đẩy du lịch và thị trường kinh doanh hội nghị, hội thảo, trong khi đây lại chính là chuyên ngành phát triển của Tập đoàn Sands. Chúng tôi chuyên xây dựng và điều hành các khu nghỉ dưỡng phức hợp. Trong khi đó Việt Nam lại chưa có loại hình khu du lịch này.
- Khu nghỉ phức hợp mà Las Vegas Sands luôn bao gồm các sòng bạc. Điều này liệu này liệu có diễn ra tương tự nếu đầu tư tại Việt Nam?
- Trung tâm vui chơi có thưởng (gaming center) là một yếu tố không thể thiếu cho các khu nghỉ dưỡng phức hợp của chúng tôi, nếu được xây dựng. Đó là hợp phần cần thiết, hay nói đúng hơn là nơi duy nhất mang lại nguồn lợi để có thể hỗ trợ cho các khu vực không mang lại lợi nhuận khác như các khu trung tâm hội nghị, hội thảo, các khu bảo tàng...
Tất nhiên, khu vực sòng bài có vị trí rất khiêm tốn. Các bạn không thể chỉ là đơn thuần bước vào khu nghỉ dưỡng và thấy luôn sòng bài. Như ở Singapore, diện tích casino chỉ chiếm 2% khu phức hợp. Còn tại Venetian Macau, nơi người ta gọi là sòng bạc lớn nhất thế giới thì diện tích cũng chỉ chiếm 4% khu phức hợp. Ở Việt Nam, các bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn việc muốn có sòng bài hay không. Nhưng nếu chúng tôi xây dựng khu phức hợp nghỉ dưỡng thì casino là yếu tố cần bởi nó sẽ bổ trợ tài chính cho các hợp phần khác không tạo ra tiền bạc như nhà hát, bảo tàng...
Bộ luật Hình sự hiện hành (1999) nghiêm cấm công dân Việt Nam đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức. Nếu thực hiện hành vi này một cách chuyên nghiệp thậm chí có thể bị phạt tù. Tuy vậy, hiện Bộ Tài đang soạn thảo quy chế kinh doanh casino và trò chơi có thưởng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã và đang xem xét cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài xây dựng một số dự án du lịch - casino lớn tại Phú Quốc, New City (Phú Yên), Silver Shores, Furama (Đà Nẵng), Nam Hội An, Hoàng Đồng (Lạng Sơn), Hồ Tràm và Saigon Atlantic (Vũng Tàu)...
- Đánh bạc vẫn là hoạt động được coi là bất hợp pháp tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ông nghĩ sao khi đầu tư vào một hoạt động “ngoài luồng” như vậy?
- Nếu người Việt Nam nghĩ vào sòng bài là xấu, vậy tại sao chơi xổ số lại được coi là hết sức bình thường và hợp pháp? Trên thực tế, khi vào sòng bài, bạn đánh cược một USD, và nhận lại cả một USD nếu thắng. Còn theo một thống kê bình quân khi chơi xổ số, nếu bạn đánh cược một USD, thì phần thưởng khi thắng cuộc chỉ có 50 cent trong khi cơ hội để chiến thắng chỉ là 1/100.000.
Điều tôi muốn nói hơn là mọi quốc gia đều tồn tại những sòng bài trái phép, nơi chính phủ không thể thu thuế và thường phát sinh các tệ nạn xã hội. Việt Nam không phải trường hợp cá biệt. Ngay như Singapore cũng từng cấm đánh bạc. Tuy nhiên, Chính phủ nước này sau đó đã thay đổi và cho phép mở ra các casino vì họ hiểu đây là một yếu tố cần thiết để bổ trợ cho các hợp phần khác của khu phức hợp nghỉ dưỡng - vốn không tạo ra lợi nhuận.
- Tuy vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng việc cho phép mở sòng bạc hợp pháp sẽ tác động tiêu cực tới xã hội, đặc biệt là tầng lớp người nghèo. Các ông sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Dù là xây dựng khu nghỉ dưỡng phức hợp hay bản thân casino thì đối tượng mà chúng tôi nhắm tới doanh nhân và du khách sang trọng. Chúng tôi không muốn kiếm tiền từ người nghèo. Ngược lại, casino có thể giúp cải thiện cuộc sống của tầng lớp này bằng cách tuyển dụng họ vào làm việc, thay vì trở thành những người chơi bài. Trung bình, các khu phức hợp của Sands tuyển dụng khoảng 12.000 - 14.000 nhân viên, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
Còn để hạn chế việc người dân tham gia đánh bạc thì tôi nghĩ cách làm tại Singapore khá phù hợp. Cùng với Chính phủ, chúng tôi đặt ra mức phí 100 USD để vào cửa với mỗi người bản xứ. Còn khách du lịch thì được vào cửa tự do. Như vậy sẽ hạn chế được tình tình trạng người nghèo tham gia đánh bạc.
- Nếu được cấp phép, ông có thể chia sẻ về quy mô cũng như thời gian thực hiện dự án tại Việt Nam?
- Las Vegas Sands không hạn chế số tiền đầu tư cho 2 khu phức hợp mà chúng tôi dự kiến thực hiện ở Hà Nội và TP HCM. Một phần vì chưa tính toán được chi phí xây dựng tại Việt Nam, phần khác vì chưa quen với việc triển khai dự án tại đất nước nơi lạm phát đến gần 20% một năm. Nhưng chúng tôi sẵn sàng làm mọi việc cho dự án này. Nếu mỗi khu cần đầu tư khoảng 2 tỷ USD, chúng tôi sẽ rất vui được xây dựng nó. Nếu là 3 tỷ USD, thì cũng không không thành vấn đề. Còn kể cả lên tới 4 tỷ USD thì vẫn là khả thi.
Về thời gian xây dựng thì còn phụ thuộc vào quy mô cũng như quá trình cấp giấy phép. Chúng tôi thường xây dựng một khách sạn với khoảng 1.600 - 1.800 phòng như cũng có thể chỉ ở quy mô 600-800 phòng. Nhìn chung thì sẽ mất khoảng 6 tháng đến một năm để lên kế hoạch và thêm 2 năm nữa để xây dựng. Vì vậy, tổng thời gian có thể sẽ vào khoảng 3,5 năm để hoàn tất hợp phần đầu tiên. Tất cả mọi việc sẽ phụ thuộc vào việc Chính phủ sẽ quyết định khi nào nhưng tôi tin rằng Việt Nam rất quan tâm đến dự án mà chúng tôi theo đuổi.
- Là một tỷ phú, lại điều hành hệ thống sòng bạc lớn bậc nhất thế giới, ông có thường xuyên tới chơi tại các casino?
- Nhiều người sẽ không tin nhưng trên thực tế tôi không bao giờ vào chơi tại các sòng bài. Tuy vậy, khi khách hàng bước vào một casino, họ sẽ phải chơi với “ai đó”. “Ai đó” ở đây chính là tôi. Vì vậy, tôi sẽ không phản đối nếu ai đó gọi mình là con bạc lớn nhất thế giới.
Theo Kỳ Duyên
VnExpress