MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Quốc hội: “Ông bà nào cũng được ra điều kiện thế thì chết!”

"Cứ thế này rồi muốn đầu tư cái gì cũng có điều kiện, ra nghị định dưới luật cũng đề ra điều kiện, ra thông tư cũng ra điều kiện, địa phương đề ra điều kiện, thậm chí xã, phường cũng đề ra điều kiện…"


Dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) "chưa rõ ràng"

Chiều ngày 22/4, sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền của Thủ tướng đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn hỏi đến Bộ trưởng Vinh, “Hiện nay giấy phép rất nhiều, Luật đầu tư (sửa đổi) ra đời có bớt được các loại giấy tờ này không?” 

Câu hỏi dường như chỉ mang tính đặt vấn đề, bởi ngay sau đó, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã nhận xét ngay, rằng đọc xong Dự thảo luật ông lại không biết ngành nghề nào, lĩnh vực nào DN cấm người dân không được làm. 

Còn về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong nội dung Dự thảo ông cũng không thấy nói đến việc các điều kiện đó sẽ quy định ở đâu, quy định thế nào, ai quy định.

“Đọc xong Luật Đầu tư mà không biết cái nào không được đầu tư, lĩnh vực nào là kinh doanh có điều kiện phải xin phép, như thế đã minh bạch, rõ ràng hay chưa?”, Chủ tịch QH đặt câu hỏi.

Viện dẫn các quy định cấm trong luật doanh nghiệp (sửa đổi) như cấm kinh doanh các ngành nghề phương hại đến lợi ích quốc phòng an ninh, vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống…; Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cảm thán: “Thế may quần áo có phải vi phạm thuần phong mỹ tục không? Cấm như thế chẳng ai biết chính xác cơ quan nhà nước cấm cái gì, nên ai cũng có thể suy diễn được ra nhiều ý.”

Tùy tiện

Với danh mục 330 hoạt động đầu tư có điều kiện mà Luật đầu tư (sửa đổi) đưa ra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng “Cứ quy định thế này rồi muốn đầu tư cái gì cũng phải có điều kiện, ra Nghị định dưới luật cũng đề ra điều kiện, ra thông tư cũng đề ra điều kiện, địa phương đề ra điều kiện, thậm chí xã, phường cũng đề ra điều kiện…” 

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu ví dụ, có dự án muốn đầu tư ở địa phương thì chủ đầu tư phải mua xi măng do địa phương sản xuất để xây dựng. 

“Cứ kiểu ra điều kiện thế này, ông nào cũng được quyền cấm, bà nào cũng có quyền ra điều kiện thì chết. Luật đầu tư như vậy là rất tùy tiện, chưa minh bạch”, người đứng đầu Quốc hội nhận định.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, theo tinh thần Hiến pháp, cá nhân được tự do kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm.  

Bởi đã gọi là Luật đầu tư thì luật này phải bao trùm nhất, quan trọng nhất, quyết định nhất. Cấm gì hay ra điều kiện gì thì cũng chỉ có luật, pháp lệnh và nghị định mới có hiệu lực, các quy định đều phải nằm trong giới hạn ghi trong ba văn bản này.

“Vậy nên Luật đầu tư sửa đổi là phải có giải pháp đột phá về cải cách hành chính, tạo cơ chế đầu tư mới, coi đây là cơ hội để giải phóng các nguồn lực đầu tư.

Nếu Luật Đầu tư vẫn khiến nhà đầu tư phải đi tìm đủ các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư… mới biết họ không được làm gì, có đáp ứng đủ các điều kiện đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hay không thì đã là minh bạch chưa, thực sự tạo điều kiện cho nhà đầu tư.” – Chủ tịch Quốc hội kết luận.

Theo Dự thảo Luật đầu tư sửa đổi:

Điều 25 về danh mục lĩnh vực cấm đầu tư, dự thảo quy định gồm:

Các dự án gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng; 
Các dự án gây phương hại đến di tích lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; Các dự án gây tổn hại đến sức khỏe nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường; Các dự án xử lý phế thải độc hại đưa từ bên ngoài vào Việt Nam; sản xuất các loại hóa chất độc hại hoặc sử dụng tác nhân độc hại bị cấm theo điều ước quốc tế;
Căn cứ quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục lĩnh vực cấm đầu tư.

Còn về danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện, Điều 24 dự thảo quy định:

1. Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện gồm các lĩnh vực được quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 
2. Điều kiện đầu tư đối với các lĩnh vực quy định tại Khoản 1 Điều này được áp dụng dưới các hình thức: 
 a) Điều kiện về lĩnh vực, phạm vi hoạt động đầu tư;
 b) Điều kiện về hình thức đầu tư;
 c) Điều kiện về vốn đầu tư;
 d) Điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp hoặc đối tác Việt Nam tham gia dự án. 
3. Căn cứ quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên