Chủ tịch tỉnh kêu Chính phủ nới tín dụng
Trong phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 6 với Chính phủ hôm nay, lãnh đạo các tỉnh thành đồng loạt đề nghị nới tín dụng để giải quyết vốn cho DN.
Ông Vinh cho biết so với tháng 12/2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm nay tăng 2,4%, thấp nhất trong 10 năm qua.
Bộ trưởng KH-ĐT nhận định: Diễn biến CPI 6 tháng đầu năm cho thấy lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013, có khả năng kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012.
Bộ KH-ĐT cũng cho biết tình hình doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện: số DN đăng ký thành lập mới sau khi giảm 1,2% trong 4 tháng đầu năm đã tăng 7,6% ở thời điểm 6 tháng. Số DN quay trở lại hoạt động cũng tăng dần: trong 6 tháng có khoảng 9,3 nghìn DN.
Ngân hàng cần giúp sức
Chủ tịch Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển: 20% DN trong tỉnh đang dừng hoặc không hoạt động |
Tuy nhiên, theo các địa phương, tình hình "không hoàn toàn khả quan". Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho biết 20% DN trong tỉnh đang dừng hoặc không hoạt động.
"Dù thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 51%, nhưng khó khăn của các DN vẫn cần được tháo gỡ", ông Hiển nói.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh trao đổi: "Ta cứ kêu nền kinh tế đang phát triển theo chiều rộng, nặng về sử dụng vốn, nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay mà không có vốn thì sản xuất đình trệ".
Theo ông Thanh, các DN đang mắc nhất ở khâu vay ngân hàng do nợ xấu và tồn kho cao: "Tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, nghĩa là các nguồn lực xã hội chưa được đưa vào lưu thông".
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến thẳng thắn: "Tôi không có ý nên nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng cần có giải pháp cụ thể hơn để giúp các DN đang thiếu vốn, có khả năng khôi phục sản xuất nhưng lại khó tiếp cận vốn vay. Địa phương đã cố gắng tạo điều kiện cho DN thì ngân hàng cũng phải giúp sức".
Ông Chiến kiến nghị cả với chính sách tài khóa: "Do cắt giảm đầu tư công mà nhiều công trình đình trệ, nhiều DN xây dựng cơ bản bị mắc kẹt. Nếu Chính phủ tập trung vốn cho những công trình quan trọng có thể hoàn thành sớm thì sẽ cứu được một số DN".
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo kiến nghị giảm lãi suất |
"Ta không muốn tăng lạm phát nhưng cố giữ thấp hơn năm ngoái thì khó khăn cho DN, sản xuất", Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa nói.
Chủ tịch hai thành phố lớn nhất nước, Hà Nội và TP.HCM, cũng đều nhận định giải quyết vốn cho DN là việc quan trọng nhất từ nay đến cuối năm. Ông Nguyễn Thế Thảo kiến nghị Chính phủ giảm lãi suất, nới rộng tín dụng, cũng như kích cầu tiêu dùng và đầu tư công để tăng sức mua toàn xã hội.
Chặn nông sản nhập khẩu giá rẻ
Nghe báo cáo của Bộ KH-ĐT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý: Nông nghiệp có tăng trưởng nhưng thấp, chỉ 2,07%, đâu là nguyên nhân, giải pháp? Nhận định này được các địa phương trọng nông chia sẻ.
Chủ tịch Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho biết tỉnh đang khó khăn cả về sản xuất lương thực và chăn nuôi: "Tập quán canh tác của nông dân vẫn dựa vào kinh nghiệm, tự phát, không thích ứng với thị trường. Việc quản lý vật tư, giống, thuốc bảo vệ thực vật đầu vào cho nông nghiệp cũng chưa tốt".
Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch An Giang - tỉnh có 24 năm xuất khẩu mà vẫn chưa có thương hiệu gạo - đồng tình: "Do lâu nay sản xuất theo tình thế, không có chiến lược, nay chặt cái này, mai chặt cái khác, không theo thị trường, nông dân không biết trồng gì bán gì, làm sao có thương hiệu".
Ông Thạnh rất trông chờ vào đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Bộ NN&PTNT, "xác định được thị trường, hướng trồng, nuôi, phương án thu mua... để nông dân bớt khổ".
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến: Cần có giải pháp cụ thể hơn để giúp các DN đang thiếu vốn |
Ngoài ra, ông Trịnh Văn Chiến phản ánh: Nhiều nơi vẫn nhập khẩu những nông sản trong nước sản xuất được, đẩy giá xuống thấp, giúp kiềm chế lạm phát nhưng lại ảnh hưởng nông nghiệp trong nước.
"Giá sản phẩm trong nước tuy cao, nhưng cần hỗ trợ vì không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ, nhất là chăn nuôi. Biết là Chính phủ phải thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO, nhưng cần có các hàng rào kỹ thuật để ngăn nhập khẩu nông sản ồ ạt, không thì nợ xấu trong ngành chăn nuôi hiện đang rất cao", Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa nói.
Chủ tịch Hải Dương thì chia sẻ nhờ ngăn chặn tốt gia cầm nhập khẩu từ Trung Quốc mà ngành chăn nuôi của tỉnh có tăng trưởng.
Chiều nay, Chính phủ tiếp tục họp, ít nhất các bộ trưởng Nông nghiệp và Tài chính sẽ trả lời thắc mắc của địa phương.
Hải Dương, Thanh Hóa cùng kiến nghị: Tỉnh có nhu cầu lấy các diện tích đất nhỏ, manh mún, nằm trong quy hoạch cho các công trình phúc lợi như nhà văn hóa, trạm xá, trụ sở xã..., nhưng do là đất lúa [nằm trong 3,8 triệu ha đất lúa cần giữ] nên phải xin Thủ tướng, qua rất nhiều cấp, kéo dài thời gian. Không nên máy móc mà giao địa phương tự quyết định, tự chịu trách nhiệm với những diện tích nhỏ, tránh tình trạng "chỉ cái chân cột điện một mét vuông cũng phải báo cáo". |
Theo Chung Hoàng