Chủ tịch TP Đà Nẵng đối thoại với các doanh nghiệp Nhật Bản
“Nếu có vấn đề cần thiết thì các DN cứ điện thoại trực tiếp cho tôi, để lãnh đạo TP trao đổi và xử lý nhanh, chứ đợi 6 tháng mới gặp một lần thì quá chậm!” – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói với các DN Nhật Bản đang đầu tư trên địa bàn.
- 09-09-2015Doanh nghiệp Đà Nẵng bắt đầu “ngấm đòn” tỷ giá
- 08-09-2015Đà Nẵng hấp dẫn nhà đầu tư Nhật
- 06-09-2015Vì sao Đà Nẵng dẫn đầu trong cải cách hành chính?
- 23-03-2015Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng "công khai email để nghe tiếng dân"
Ngày 9/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành đã có buổi đối thoại nhằm lắng nghe, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang hoạt động trên địa bàn, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các DN phát triển và đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI Nhật Bản vào Đà Nẵng.
Được biết, hiện Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 4 vào Đà Nẵng với 89 dự án tổng vốn 378 triệu USD, chiếm gần 11% tổng vốn FDI trên toàn TP. Trong đó tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, CNTT... Các DN Nhật Bản đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của TP, giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động địa phương và các tỉnh lân cận ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.
Bà Kana Miyazaki, Phó trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho hay, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 517 dự án.
Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp đầu các địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các DN nhỏ và vừa của Nhật Bản Nhiều DN khi được hỏi về lộ trình đầu tư đều cam kết sẽ mở rộng đầu tư vào Việt Nam bởi đây là thị trường thuận lợi về nhân công, môi trường và cả thị trường. Trong đó, Đà Nẵng đang là địa phương rất được cộng đồng DN Nhật Bản hướng đến.
Tại buổi đối thoại, đại diện các DN Nhật Bản đã gửi đến lãnh đạo Đà Nẵng cùng các đơn vị liên quan 22 câu hỏi tập trung vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đất đai, môi trường; thủ tục hành chính; hỗ trợ DN; chế độ lao động; đào tạo nguồn nhân lực.
Trong đó, nhiều DN than phiền về tình trạng làm thủ tục xin trợ cấp tai nạn lao động còn hết sức phức tạp, rườm rà; thiếu cơ sở giữ trẻ cho công nhân. Họ cũng cho rằng, người lao động nước ngoài cần phải có giấy phép lao động, ngoài các giấy tờ chuẩn bị ở nước ngoài còn cần các giấy tờ khác tại Việt Nam.
“Trong đó, quyết định cấp phép lao động của UBND TP mất đến hai tuần mới được ban hành. Việc dịch sang tiếng Việt và công chứng mất 1 tuần. Sau khi được cấp giấy phép lao động phải mất một tuần mới có thẻ tạm trú. Giấy tờ thủ tục còn rất rườm rà, mất thời gian. Đề nghị TP rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục” - Hiệp hội DN Nhật Bản tại Đà Nẵng kiến nghị.
Cũng theo Hiệp hội DN Nhật Bản tại Đà Nẵng thì các DN Nhật rất mong muốn tăng tỉ lệ mua các cấu kiện tại địa phương, nhưng với các sản phẩm cấu kiện gia công cơ khí chính xác thì không thể mua được tại Đà Nẵng mà phải mua ở Hà Nội, TP.HCM.
Vì vậy, họ đề nghị TP cần nghiên cứu xây dựng các khu chuyên dụng quy mô nhỏ, tích cực ưu tiên thu hút đầu tư cho các khu vực đó để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại địa phương. TP cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho các DN này.
Các ý kiến, kiến nghị của các DN Nhật Bản đều được các sở, ngành TP trả lời cụ thể và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ “chốt” lại, làm rõ thêm. Ông đánh giá cao việc các DN Nhật Bản trong thời gian qua đã chọn Đà Nẵng làm điểm đến và cho hay, lãnh đạo TP cùng các sở, ban, ngành liên quan luôn muốn lắng nghe các kiến nghị, yêu cầu từ phía các DN để giải quyết kịp thời, xử lý nhanh chóng có hiệu quả nhất. Giảm tối đa tình trạng quan liêu, gây khó khăn cho các DN.
“Đà Nẵng xác định Nhật Bản là đối tác quan trọng cần tập trung thu hút đầu tư. Mặc dù những đóng góp của các DN FDI Nhật Bản vào sự phát triển của TP là rất đáng kể nhưng làm thế nào để tăng thêm sức hấp dẫn của Đà Nẵng đối với các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn là một điều trăn trở của chính quyền TP!” – ông Huỳnh Đức Thơ cho hay.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, hiện Đà Nẵng đang nỗ lực đầu tư khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung và sẵn sàng có những cam kết mạnh mẽ hơn nữa để tạo mọi điều kiện thu hút các DN Nhật Bản. Nếu các DN có chiến lược đầu tư rõ ràng sẽ giúp TP có sự lựa chọn và hỗ trợ thuận lợi nhất để tiếp tục thu hút và tạo ra cộng đồng DN có sức cạnh tranh cao.
“Chúng tôi không chỉ mong muốn nỗ lực cải thiện về cơ chế, chính sách, bộ máy vận hành phục vụ mà còn dành nguồn lực để cải cách các lĩnh vực mà cộng đồng DN quan tâm. Nếu có vấn đề gì cần thiết thì các DN cứ điện thoại trực tiếp cho tôi, để lãnh đạo TP sắp xếp, trao đổi và xử lý nhanh, chứ đợi 6 tháng mới gặp một lần theo quy định thì quá chậm!” – ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Tại buổi đối thoại, các DN Nhật Bản phàn nàn về tình trạng người dân mang hàng rong vào bán trong các KCN Liên Chiểu, Hòa Khánh, Hòa Cầm… khiến nhiều khu vực trong KCN chẳng khác nào chợ quê, rất nhếch nhác. Đặc biệt, tình trạng người dân ở quận Liên Chiểu thả rông bò, gia súc trong KCN đang "uy hiếp", cản trở việc sản xuất kinh doanh của các DN cũng như quậy phá cảnh quan.
Ông Huỳnh Đức Thơ Thơ yêu cầu UBND quận Liên Chiểu phải xử lý ngay tình trạng này: "Quận Liên Chiểu phải tuyên truyền, vận động người dân không được thả bò trong KCN nữa. Nếu tuyên truyền không được thì phải bắt bò. Xử lý nghiêm để không tái phạm. Việc xử lý thả rông bò trong KCN đến ngày 30/9 phải xong. Không nói nhiều nữa. Chỉ có việc cỏn con đó làm không xong là sao!".
Infonet