Chưa “chốt” ngày nối lại đàm phán, TPP có “trễ hẹn”?
Các nhà đàm phán TPP đã rời Hawaii mà không đi đến một thỏa thuận chung đáng kể nào. Thay vào đó, họ hứa sẽ tiếp tục nối lại đàm phán để tìm ra tiếng nói chung; nhưng không đưa ra thời gian cụ thể cho tiến trình này...
- 08-08-2015“TPP vẫn nằm trong tầm tay”
- 06-08-2015“FTA Việt Nam – EU là phần bù đắp cho sự trì hoãn của TPP”
- 06-08-2015TPP hay công cụ đầu cơ?
Theo tin từ Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Việt Nam), các nhà đàm phán đã tiết lộ, vòng đàm phán tiếp theo của Hiệp định Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể diễn ra từ ngày 18-19/11, trùng thời điểm với cuộc họp của Diễn đàn APEC tại Philipines.
Tuy nhiên, Bộ trưởng kinh tế của Nhật Bản Akira Amari cho rằng, các Bộ trưởng 12 nước thành viên TPP nên tổ chức một cuộc họp bên lề sớm hơn, vào ngày 22-25/8 tới.
Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 7/8 mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đánh giá, mặc dù tạm thời bị trì hoãn nhưng rõ ràng tiến trình đàm phán TPP đang rất tích cực. Và ông tin rằng TPP sẽ thành công trong năm nay.
Trước đó, vòng đàm phán cuối cùng tại Hawaii đã không đi đến một kết cục như mong đợi do còn vướng mắc về vấn đề thuế ô tô giữa Nhật và các quốc gia Bắc Mỹ bao gồm Mỹ, Canada và Mexico; vấn đề bơ sữa giữa New Zealand và Canada; vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm của Mỹ.
Nhật Bản và Hoa Kỳ đã cơ bản nhất trí về quy tắc xuất xứ đối với xe ô tô. Trong đó xác định một sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan khi nó đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ % đối với linh kiện được sản xuất từ một nước thành viên TPP.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là bất đồng trong định nghĩa xe hơi hoặc xe tải giữa các nước TPP. Mexico yêu cầu động cơ phải có 65% phụ tùng được sản xuất tại các nước thành viên TPP mới được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu. Điều này sẽ có lợi cho xe tải Mexico vì nước này nhập khẩu phần lớn phụ tùng từ Mỹ và Nhật Bản.
Trong khi đó, Nhật Bản lại yêu cầu quy tắc xuất xứ chỉ nên thiết lập ở ngưỡng 50%, bởi quốc gia này nhập khẩu phụ tùng chủ yếu từ Trung Quốc và Thái Lan – hai quốc gia không tham gia TPP. Nếu tuân theo quy định của Mexico thì rất có thể Nhật Bản sẽ phải thay đổi chuỗi cung ứng hiện có.
Ông Jeffrey J. Schott - chuyên gia hàng đầu về TPP tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson nhận định, đó là những “nút thắt” khá lớn của TPP.
TPP hướng đến một hiệp định thương mại với mức độ cam kết lớn từ mở cửa thị trường, quyền lao động đến sở hữu trí tuê và giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ - nhà đầu tư.
Mặc dù vẫn còn những lo ngại về việc TPP bị trì hoãn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế; song Amcham cũng nhận định, có 2 kịch bản cho tương lai của TPP.
Kịch bản thứ nhất là TPP có thể được thông qua vào ngày 8/11/2016 , ngày chính thức diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống của nước Mỹ.
Ở kịch bản thứ 2, TPP có thể đến muộn hơn, vào năm 2017 sau khi Quốc hội và Tổng thống mới của Mỹ đã vượt qua giai đoạn bầu cử đầy khó khăn.