MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa thể lơ là với lạm phát

Việc tăng không cao của CPI trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm được lý giải bằng nhiều nguyên nhân.

Mục tiêu đề ra cho năm nay là lạm phát thấp hơn năm trước (6,5% so với 6,81%). Trong khi CPI 2 tháng năm nay đã cao hơn 2 tháng cùng kỳ năm trước và sau 2 tháng đã tăng bằng 39,8% mục tiêu cả năm, cao hơn tỷ lệ 33,5% của năm ngoái.

Tổng cục Thống kê vừa công bố tốc độ tăng, giảm giá tiêu dùng (CPI), giá vàng và giá USD tháng 2/2013. CPI tháng 2/2013, xét về mặt thời gian, có một số điểm đáng lưu ý. 

(1) Tăng cao hơn tốc độ tăng của tháng 1 (tăng 1,25%), chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong mùa cưới hỏi, dịp tổng kết cuối năm của các cơ quan đơn vị, dịp Tết cổ truyền của dân tộc, mùa du lịch lễ hội,... cao hơn nhiều so với thời gian khác trong năm. 

(2) Thấp thứ hai so với CPI của tháng 2 cùng kỳ trong 10 năm qua: tháng 2/2004: 3,00%, tháng 2/2005: 2,50%, tháng 2/2006: 2,10%, tháng 2/2007: 2,17%, tháng 2/2008: 3,56%, tháng 2/2009: 1,17%, tháng 2/2010: 1,96%, tháng 2/2011: 2,09%, tháng 2/2012: 1,37%, tháng 2/2013: 1,32%,

CPI của tháng 2 năm nay cũng thấp hơn tốc độ tăng CPI bình quân của cùng kỳ trong 9 năm trước đó (tăng 2,21%).

(3) Hệ số giữa tốc độ tăng CPI của tháng 2 so với của tháng 1 trong năm nay cũng thấp hơn hệ số bình quân của thời kỳ 2004- 2012 (1,06 lần so với 1,77 lần).

CPI sau 2 tháng đầu năm từ 2004 đến 2013 - Nguồn: Tổng cục Thống kê.


CPI sau 2 tháng (tức tháng 2 năm nay so với tháng 12 năm trước) của năm nay cũng thấp thứ 3 so với con số tương ứng của cùng kỳ trong 10 năm qua (tính từ 2004 đến nay): 2 tháng đầu năm 2004 tăng 4,13%, 2 tháng đầu năm 2005 tăng 3,63%, 2 tháng đầu năm 2006 tăng 3,33%, 2 tháng đầu năm 2007 tăng 3,24%, 2 tháng đầu năm 2008 tăng 6,02%, 2 tháng đầu năm 2009 tăng 1,49%, 2 tháng đầu năm 2010 tăng 3,35%, 2 tháng đầu năm 2011 tăng 3,87%, 2 tháng đầu năm 2012 tăng 2,38%, 2 tháng đầu năm 2013 tăng 2,59%.

CPI sau 2 tháng của năm nay cũng thấp hơn so với CPI bình quân sau 2 tháng của 9 năm trước đó (3,49%).

Giá thực phẩm được dự báo tăng rất cao vào dịp Tết, nhưng thực tế đã không có sốt giá (nếu có cũng chỉ có tính cục bộ ở một vài mặt hàng, ở một vài nơi, ở một vài thời điểm, nhưng đã được “bàn tay vô hình” của cơ chế thị trường điều chỉnh: người có hàng đẩy mạnh tăng bán ra, người mua “co lại”; riêng giá rau củ quả nhiều loại còn giảm xuống so với trước Tết...). 

Tuy nhiên, do tháng 1 đã tăng khá cao (1,96%), nên tính chung 2 tháng đã tăng cao thứ hai trong các nhóm hàng. Trong khi chi tiêu cho nhóm hàng này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi tiêu dùng.

Riêng giá vàng, giá USD- không nằm trong “rổ” hàng hoá, dịch vụ tính CPI đã cơ bản ổn định từ năm trước và giảm trong 2 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng ở thị trường trong nước và giá vàng trên thị trường thế giới ở mức khá lớn (hiện ở mức trên 4,5 triệu đồng/lượng) và trong thời gian khá dài, chủ yếu do chưa có sự liên thông với thị trường thế giới và trong dư luận nghi ngờ có sự độc quyền về vàng. 

Giá USD gần đây có đề xuất cần tăng lên, thậm chí phá giá ở mức 3- 4% không chỉ trong năm nay mà còn giữ nhịp điệu đó trong năm tới. Mặc dù tăng tỷ giá VND/USD sẽ có tác dụng khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, nhưng sẽ được ít, mất nhiều. 

Cái mất rõ nhất là làm xuất hiện tình trạng “nhập khẩu lạm phát” và “khuếch đại lạm phát” ở trong nước như đã từng xảy ra từ giữa năm 2011 trở về trước. Một cái mất nữa cũng dễ nhìn thấy là nợ và trả nước ngoài tính bằng VND sẽ tăng lên, trong khi tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đến cuối năm ngoái đã lên đến 55,4%; số nợ phải trả đã lên đến khoảng 14-15% tổng thu ngân sách nhà nước và số trả nợ gốc vay ngắn hạn, trung dài hạn đã lên đến 80% tổng số vay mới.

Việc tăng không cao của CPI trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm được lý giải bằng nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân quan trọng hàng đầu là tiêu dùng của dân cư bị co lại (tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ yếu tố tăng giá tháng 1 tăng chưa đến 1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn cả tốc độ tăng dân số). 

Tiêu dùng co lại một phần quan trọng do thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư tăng chậm, nhất là những người bị mất việc hoặc thiếu việc làm ở những doanh nghiệp bị ngừng hoạt động, giải thể, thu hẹp sản xuất kinh doanh; một phần do một bộ phận quan trọng trong dân cư đã xuất hiện trở lại tâm lý “tích cốc phòng cơ”, “thắt lưng buộc bụng”, rẻ thì mua, đắt thì mua ít, thậm chí không mua; chẳng thế mà tiền gửi tiết kiệm tăng 1,2% ngay cả vào thời gian có Tết cổ truyền. 

Có nguyên nhân quan trọng là tăng trưởng dư nợ tín dụng gần 2 tháng qua vẫn còn mang dấu âm (0,16%), tuy không giảm nhiều như cùng kỳ năm trước, nhưng sẽ rất khó cải thiện, bởi nợ xấu, tồn kho, bất động sản vẫn là những điểm nghẽn lớn.

Tuy nhiên, chưa thể chủ quan lơ là với lạm phát. Trong khi chi phí phải tăng thêm để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết các điểm nghẽn; các chi phí để cơ cấu lại kinh tế, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược... 

Việc thực hiện lộ trình giá thị trường sẽ tiếp tục khi các đơn vị đang đòi tăng giá điện, giá xăng dầu, rồi 2 thành phố lớn (Hà Nội, Tp.HCM) chưa tăng dịch vụ y tế trong năm ngoái... Mặt bằng giá thế giới được dự đoán là tăng, sẽ kéo mặt bằng giá trong nước lên theo; nếu tỷ giá VND/ngoại tệ tăng sẽ làm cho giá nhập khẩu tăng kép.

Theo Dương Ngọc
VnEconomy

thunm

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên