Chưa vào TPP, hàng tỷ USD đã đổ về Việt Nam
Một làn sóng đầu tư dệt may đã đổ về Việt Nam để đón đầu TPP. Những dự án tỷ đô có thể mang lại nhiều niềm vui về thu hút đầu tư nhưng cũng tạo ra những sức ép về dài hạn cho các DN và nền kinh tế.
- 03-07-2015HSBC: Hiệp định TPP sẽ rất có lợi đối với Việt Nam
- 20-06-2015Gia nhập TPP: Bài toán nào cho dệt may Việt Nam?
- 19-06-2015Đàm phán TPP: Có thể sẽ "dễ thở" hơn đối với DNNN
Liên tiếp các dự án lớn
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm 2015 giảm mạnh, nhưng ngành dệt may lại tăng đột biến. Trong tổng số vốn 5,85 tỷ USD đầu tư, dệt may chiếm 1,12 tỷ USD, với 3 dự án lớn, trong đó có dự án tới 660 triệu USD, cao nhất từ trước tới nay.
Dự án 660 triệu USD là của nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ, xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến sợi tại Đồng Nai. Ngoài ra, còn có dự án 300 triệu USD sản xuất sản phẩm may mặc của nhà đầu tư Anh quốc tại Tp HCM và dự án nhà máy sợi, vải màu 160 triệu USD tại Tây Ninh của nhà đầu tư Hồng Kông.
Trước đó, ngành dệt may cũng có 3 dự án lớn thuộc về các nhà đầu tư Trung Quốc, gồm dự án 400 triệu USD xây khu công nghiệp dệt may tại Nam Định; dự án 300 triệu USD của Texhong tại Quảng Ninh và dự án 200 triệu USD của TAL tại Hải Dương.
Nhiều DN dệt may của Trung Quốc đã quyết định đầu tư vào Việt Nam xây nhà máy sợi, dệt, nhuộm... Tại TP Hồ Chí Minh, Công ty Forever Glorious thuộc tập đoàn Sheico (Đài Loan) cam kết đầu tư 50 triệu USD để triển khai một dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp cho thể thao dưới nước. Công ty Gain Lucky Limited thuộc tập đoàn Shenzhou International (Trung Quốc) sẽ đầu tư 140 triệu USD để phát triển dự án Trung tâm Thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp.
Ở khu vực phía Bắc, tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) vừa được chính quyền tỉnh Nam Định cấp phép đầu tư dự án từ sản xuất sợi, đến dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD...
Nguyên nhân thu hút nhiều dự án dệt may là do giá nhân công của Việt Nam thấp cùng với sự tác động của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là đón đầu Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp hoàn tất.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, hiện nay, mức thuế suất trung bình sản phẩm dệt may Việt Nam xuất vào Mỹ từ 17%- 30%, nếu được giảm xuống còn 0% thì sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn trước các nước khác.
Đặc điểm riêng biệt của TPP là quy tắc xuất xứ hàng hóa (CRO). Để nhận được mức thuế 0%, các nước tham gia phải triệt để tuân theo quy tắc xuất xứ với từng sản phẩm.
Với dệt may là phải sử dụng nguyên liệu từ sợi trong nước. Nếu phải nhập thì chỉ nhập trong phạm vi các nước thành viên của TPP. Vì vậy nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vốn lớn vào Việt Nam với các khâu sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may.
Thách thức DN trong nước
Thách thức lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam là lệ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài. Theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam vẫn nhập gần 50% nguyên phụ liệu cho dệt may, chủ yếu từ Trung Quốc.
Trung Quốc không tham gia TPP, vì vậy các nhà đàm phán thương mại Mỹ đã yêu cầu Việt Nam phải giảm sự lệ thuộc về nguồn nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc để được hưởng các ưu đãi thuế quan khi vào Mỹ.
Hiện chỉ có Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) là đầu tư mạnh cho các khâu sản xuất sợi, dệt nhuộn... Từ năm 2013, Vinatex đã đầu tư 51 dự án, trong đó có 14 dự án sợi, 15 dự án dệt, 15 dự án may... với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành vào năm 2016, các dự án có khả năng đáp ứng 50-60% nhu cầu của toàn tập đoàn. Với các DN nhỏ của Việt Nam, không đủ vốn đầu tư cho phát triển nguồn nguyên liệu, đang hết sức lo lắng về vấn đề này.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, ngành dệt may đang là đối tượng cạnh tranh của toàn thế giới.
Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 về dệt may, sau Trung Quốc. Tuy nhiên khoảng cách đang rất xa. Việc cạnh tranh với Trung Quốc gần như là bất khả thi, đó là lý do dệt may các nước chọn Việt Nam làm đối tượng cạnh tranh trực tiếp. Điều này đặt các DN trong nước trước một thách thức vô cùng lớn.
Theo Vitas, trong hơn 3.000 DN dệt may trên cả nước hiện nay, số lượng DN FDI chiếm khoảng 25% nhưng lại chiếm hơn 60% tổng kim ngạch XK của cả nước. Và hầu hết các DN FDI đang tiếp tục mở rộng sản xuất khắp cả nước để đáp ứng nhu cầu XK. Như vậy, ngành dệt may dù có số lượng DN và quy mô hoạt động được đánh giá là tương đối mạnh, nhưng lại đang có một khoảng cách khá xa với DN FDI.
Với nhiều DN Việt Nam, chủ yếu thực hiện công đoạn may, giá trị gia tăng thấp, vốn nhỏ, công nghệ lạc hậu, được cho sẽ gặp khó khăn, không đấu nổi về năng suất, chất lượng, giá thành, có thể sẽ trở thành những DN làm thuê cho các DN FDI có tiềm lực mạnh.
Cùng với đó nỗi lo lớn nhất của các DN dệt may Việt Nam là nguồn nhân lực bị "chảy máu". Một số DN FDI dệt may đang ráo riết săn lùng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho mở rộng sản xuất và cạnh tranh với các đối thủ.
Giám đốc 1 công ty may trong nước cho biết, một DN dệt may của Srilanka đầu tư tại khu CN Phố Nối (Hưng Yên) vốn không lớn, đang đi tìm các nhân lực chủ chốt, sẵn sàng trả mức lương từ 3.000-3.500 USD/người/tháng. Đây là mức lương khá cao mà hầu hết các DN trong nước khó đáp ứng được. Với việc mạnh tay "chi tiền" các DN FDI chắc chắn sẽ lôi kéo thành công những nhân lực giỏi từ các DN trong nước. Đây là điều đáng lo ngại.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, không phải cứ đi ra ngoài mới là hội nhập, mà thế giới đã đến tận nơi để hội nhập với chúng ta. Dù có muốn hay không thì DN Việt vẫn phải tham gia "sân chơi" chung. Nếu các DN dệt may Việt Nam không nhanh chân, các chính sách không kịp thời thì đứng trước cơ hội này cũng vẫn chỉ là kẻ làm thuê.