MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyến về thăm Việt Nam lần thứ 4 của Giám đốc điều hành WEF Phillip Roesler

Trong cuộc trao đổi ngắn gọn với báo chí bên lề chuyến thăm, ông đã chia sẻ những nhận định về kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Ngày 28/11 vừa qua, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Philipp Roesler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và WEF.

Trong cuộc trao đổi ngắn gọn với báo chí bên lề chuyến thăm, ông đã chia sẻ những nhận định về kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Chính phủ Việt Nam có thể làm gì để phát triển nền kinh tế sáng tạo và cạnh tranh với các nền kinh tế khác như Singapore, Hồng Kông...?

Điều tôi nghĩ đến đầu tiên là một môi trường vĩ mô ổn định, có nghĩa là có ngân sách và chính sách tài khóa ổn định, tỷ lệ lạm phát thấp. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế sáng tạo, người trẻ cần có tự do. Điều này có nghĩa là họ phải có cơ hội để khởi nghiệp và triển khai các ý tưởng một cách nhanh chóng. Bạn cũng biết đấy, sáng tạo là nền tảng tốt nhất cho thành công trong kinh doanh.

Tuy nhiên, những người sáng tạo không thích những quy trình hành chính rập khuôn, do đó nên giảm tham nhũng, tạo môi trường tốt cho việc kinh doanh.

Mittelstand đóng vai trò quan trọng với sự thành công của nền kinh tế Đức. Theo ông, Việt Nam có thể áp dụng mô hình này để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không, đặc biệt là trong việc nâng cao lợi thế cạnh tranh?

Đúng là trong một môi trường kinh tế toàn cầu đầy thách thức như hiện nay, nhiều nền kinh tế rất quan tâm đến sự thành công cũng như sự vững chãi của các doanh nghiệp Mittelstand (doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đức).

Có rất nhiều nhân tố thuộc về “hệ sinh thái Đức” góp phần tạo nên thành công của các doanh nghiệp này, trong đó có hệ thống giáo dục – đặc biệt là các chương trình đào tạo nghề. Riêng đối với bản thân các Mittelstand, họ tập trung vào phát triển các yếu tố như nâng cao chất lượng, đẩy mạnh chuyên môn hóa và thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế. Chất lượng không chỉ được thể hiện ở sản phẩm mà còn cả ở khâu hậu mãi.

Việt Nam có thể áp dụng mô hình này bằng cách tăng cường trao đổi với các lãnh đạo doanh nghiệp Đức về cách làm thế nào để phối hợp các yếu tố này cũng như những yếu tố khác vào mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt.

Đâu là cơ hội và thách thức cho Việt Nam khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trở thành hiện thực vào năm 2015 cũng như khi ký các thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với các nền kinh tế lớn hơn?

Đầu tiên phải nhận thấy cơ hội có nhiều hơn là thách thức, vì thế các sự kiện này là tốt. Tuy nhiên, FTA cũng mang đến nhiều đối thủ cạnh tranh hơn. Dẫu vậy, tôi tin rằng điều này là tốt đối với Việt Nam vì ở sân chơi này các bạn có thể tồn tại. Hơn nữa cạnh tranh công bằng luôn là điều tốt nhất và là điều có ích cho các doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân ở Việt Nam.

Khi trò chuyện với các chính trị gia cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp ASEAN, tôi nhận thấy sự quyết tâm rất lớn nhằm biến AEC trở thành hiện thực. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rằng người dân các nước ASEAN cần tham gia nhiều hơn và nhận thức đầy đủ hơn về những tác động mà AEC sẽ đem lại. AEC sẽ rất hữu ích cho việc xây dựng bản sắc kinh tế cho ASEAN, đồng thời giúp cải thiện chất lượng cuộc sống vì giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ giáo dục và y tế.

Do đó, tôi hi vọng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò là người ủng hộ mạnh mẽ sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN.

Chia sẻ với báo giới về các kế hoạch khi quay trở lại Việt Nam lần tiếp theo, Philipp Roesler cho biết lần này ông có lịch trình tới nhiều nước ASEAN (Thái Lan, Myanmar, Indonesia) và chỉ có 24 giờ ở Việt Nam. Lần tới vợ và con của ông sẽ cùng về Việt Nam vào tháng 7 năm sau. Sau khi làm việc với chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, ông sẽ cùng gia đình du lịch xuyên Việt để giải thích cho các con rằng đây là nơi ông sinh ra.

>>> Ông Philipp Roesler: “Việt Nam có thể tự hào về những gì đã làm được trong 30 năm qua”

Thu Hương

huongnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên