MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ chế thị trường và 1/4 thế kỷ để xác lập “điều đương nhiên”

Theo TS Trần Du Lịch, với dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua cuối năm 2014, Việt Nam mất gần 1/4 thế kỷ để xác lập tư duy về một vấn đề mang tính đương nhiên phải có trong cơ chế thị trường...

Trong báo cáo nghiên cứu "Môi trường đầu tư kinh doanh nhìn từ góc độ cải cách nền hành chính và tài chính công" được trình bày tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, TS Trần Du Lịch nhận định rằng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là bước nối tiếp của quá trình Đổi mới thực hiện suốt gần 30 năm qua tại Việt Nam.

Cụ thể, ông Lịch cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 (tháng 11/2014) đã thông qua nhiều đạo luật liên quan đến thể chế kinh tế như: Luật doanh nghiệp (sửa đổi); Luật đầu tư (sửa đổi); Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật nhà ở (sửa đổi); Luật sửa đổi một số điều của các Luật thuế... đã từng bước hình thành cơ chế vận hành thuận lợi hơn cho thị trường.

Các đạo luật liên quan trực tiếp đến thể chế kinh tế nêu trên đã mang một dấu ấn rất quan trọng về đổi mới tư duy quản lý nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ về thể chế kinh tế, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Ông Lịch phân tích, nếu nhìn suốt quá trình Đổi mới, đặc biệt từ năm 1991, khi ra đời Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân, thì quyền tự do kinh doanh của công dân (một loại quyền đương nhiên trong thể chế kinh tế thị trường) để được xác lập đã trải qua 3 thời kỳ:

(1) Phải được nhà nước cho phép trước khi lập doanh nghiệp (Luật năm 1991);

(2) Được đăng ký lập doanh nghiệp và kinh doanh các ngành nghề theo giấy phép đăng ký (Luật năm 2000)

(3) Được kinh doanh những gì mà luật không cấm hoặc ghi điều kiện (Luật năm 2014).

Coi đây là một bước đột phá về thể chế, song TS Trần Du Lịch cũng thẳng thắn thừa nhận, chúng ta mất gần 1/4 thế kỷ để xác lập tư duy về một vấn đề mang tính đương nhiên phải có trong cơ chế thị trường. Nhưng để sự đổi mới tư duy này đi được vào cuộc sống, thì vẫn đang còn là vấn đề phía trước.

Theo TS Trần Du Lịch, bước vào năm 2015, mặc dù các di chứng của giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn tiếp tục phải khắc phục như: vấn đề nợ xấu, lãi suất cao, các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản ngừng hoạt động và niềm tin của thị trường…

Tuy nhiên, năm 2015 sẽ mở ra hướng phát triển mới trong đó cần xem hội nhập như một cơ hội để chúng ta phát triển nhanh và doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội hội nhập này để phát triển chứ không quá lo sợ cạnh tranh.

Trong hội nhập sẽ có nhiều thách thức nhưng chính sự thách thức là điều kiện giúp doanh nghiệp vượt qua để phát triển bền vững. Thách thức giúp doanh nghiệp vượt lên, tạo nền tảng, sức mạnh để đương đầu với khó khăn.

Hiện nay các chính sách và thể chế kinh tế được cải cách thông qua việc sửa đổi và ban hành các đạo luật mới đang đi vào cuộc sống; kỳ vọng đáp ứng được mặt bằng chung về môi trường pháp lý như các nước trong khu vực. Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ, chính là ba nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập tốt, chứ không phải các chính sách ưu đãi nào khác của Nhà nước.

Theo ông Lịch, để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta trong điều kiện hội nhập khu vực và toàn cầu, việc cải cách thủ tục hành chính bước đầu là cần thiết. Tuy nhiên, thủ tục hành chính chỉ là sản phẩm của một nền hành chính, nên nếu không cải cách đồng bộ cả 3 bộ phận: thể chế hành chính, bộ máy và con người, thì tác dụng của cải cách thủ tục hành chính rất hạn chế và nhanh chóng giảm hiệu quả.

“Để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng trước hết cần nhận thức lại chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với thuộc tính của cơ chế thị trường. Nhà nước theo đuổi mục tiêu phát triển của quốc gia, chứ Nhà nước không theo đuổi mục tiêu kinh doanh kiếm lời. Kinh doanh kiếm lời là chuyện của thị trường” – TS Trần Du Lịch phân tích.

>>>Thể chế kinh tế thị trường đang được hiểu một cách “mù mờ”?

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên