Cơ hội vàng từ Campuchia
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Campuchia đạt 3,4 tỷ USD trong năm 2013 (trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chiếm 85%), dự kiến sẽ tăng lên 5 tỷ USD vào năm 2015.
Nhận diện thương hiệu Việt
Chỉ bán những vật dụng gia đình như cây lau nhà, chổi quét trần nhưng đều đặn mỗi tháng ông Trương Minh Châu, Giám đốc Công ty Lilico hai lần có mặt ở đất nước Chùa tháp. Vừa mang những sản phẩm này giao cho những bạn hàng ở các chợ đầu mối Ozsay, Olympic, chợ Mới, ông Châu vừa thu tiền hàng đã bán trước đó.
Và từ những chuyến đưa hàng sang Campuchia, ông Châu đã xây dựng được mối quan hệ bền chặt với một đối tác để mở nhà máy LilicoSteal chuyên về tôn lợp, kèo nhà làm nhà ngay tại Phnom Penh. Nhà máy có diện tích 2.000m2, doanh số đạt khoảng 3 triệu USD/tháng.
Công ty Vissan đã thành lập văn đại diện tại Phnom Penh để trực tiếp điều hành hệ thống phân phối. Những sản phẩm của Vissan tiêu thụ tốt tại thị trường này là xúc xích, đồ hộp. Theo nghiên cứu của Vissan, người tiêu dùng đang chuyển hướng sang dùng sản phẩm Việt Nam thay cho hàng Thái.
Trước đây, các mặt hàng thực phẩm chế biến, bánh kẹo Thái Lan tràn ngập nước này nhưng nay, tỷ lệ hàng Thái và hàng Việt tương đương nhau. Riêng về hàng của Vissan, người tiêu dùng đất nước Chùa tháp biết rất rõ về thương hiệu cũng như sản phẩm của Công ty.
Chẳng hạn, xúc xích Hola đạt 90% độ nhận diện thương hiệu và hài lòng của người tiêu dùng nước này. Không chỉ thế, có đến 80% người tiêu dùng trả lời sẽ mua về dùng thử những sản phẩm khác của Công ty.
Theo các nhà phân phối Campuchia, hiện nay, người tiêu dùng ở Phnom Penh (đặc biệt là những người kinh doanh nhà hàng, siêu thị) đang có xu hướng sử dụng hàng giá cao của Việt Nam. Muốn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng giàu có ở Campuchia phải đầu tư hình ảnh sản phẩm đẹp và như vậy, có thể mở rộng đến các tỉnh du lịch phát triển của nước này như Siam Reap.
Thực tế tại hội chợ Hochiminh City Expo 2013 tại Phnom Penh cũng cho thấy, yến sào Khánh Hòa, nước mắm 584 Nha Trang, rau củ quả sấy Nhabexims... được khách hàng chọn mua nhiều hầu hết là sản phẩm cao cấp. Trước xu hướng này, các DN tham gia hội chợ đã kết hợp với nhà phân phối Campuchia mở rộng mang lưới phân phối và tăng thị phần tại kênh nhà hàng.
Cụ thể, Công ty Thương mại Dragon (Phnom Penh) tổng đại lý phân phối của Cholimex và Kinh Đô tại 16 tỉnh của Campuchia, cho biết sẽ phủ kín 24 tỉnh trong thời gian gần nhất. Theo ông Kong Kheang, Giám đốc Điều hành Dragon, sản phẩm của Cholimex tiêu thụ theo kênh nhà hàng mới chiếm 17% nhưng trong tương lai nhà hàng, quán ăn là kênh phân phối tăng trưởng tốt.
Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco) cũng nhắm đến những người kinh doanh nhà hàng, quán ăn Campuchia. Vì thế, ngay tại hội chợ Hochiminh City Expo 2013, Sadaco đã in những tờ rơi bằng tiếng Campuchia giới thiệu về sản phẩm làm từ tre, không có chất tẩy trắng.
Và ngay sau hội chợ, đã có 40 nhà hàng, quán ăn mua sản phẩm của Công ty. Không chỉ riêng Sadaco mà tại hội chợ này, nhiều DN khác như Kinh Đô, Vissan, Thiên Long, Duy Tân, Đại Đồng Tiến... cũng có kết quả tốt. Tổng kết hội chợ, các DN Việt đã thu về 2,5 triệu USD từ việc bán hàng.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển văn hóa và xúc tiến thương mại Sài Gòn (Saigon IPC), cho biết, hàng Việt Nam ở Campuchia đã có chỗ đứng dù hàng Thái Lan và Trung Quốc có mặt nhiều năm nay.
Những mặt hàng Việt Nam đang tiêu thụ tốt và trong tương lai có thể phát triển mạnh ở Campuchia là bánh kẹo, đồ nhựa, xà bông, thực phẩm chế biến, đồ điện gia dụng, hàng công nghệ phẩm... vì được người dân nước này đánh giá cao.
Nếu như trước đây người tiêu dùng Campuchia chỉ quan tâm đến hàng Thái Lan, Trung Quốc thì nay càng quen thuộc với hàng Việt Nam từ dùng thử, hài lòng chất lượng đến chuộng hàng Việt Nam.
Một lợi thế mới của hàng Việt, theo ông Châu là hiện nay, tai tiếng về hàng Trung Quốc chất lượng kém đang khiến người tiêu dùng Campuchia e dè. Trong khi đó, hàng Thái Lan giảm sút là cơ hội vàng cho hàng Việt Nam khi thâm nhập thị trường này.Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt trên 1,8 tỷ USD, năm 2013 đạt 3,4 tỷ USD (trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Campuchia chiếm 85%) và dự kiến, đạt 5 tỷ USD vào năm 2015.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Campuchia. Việt Nam đã cung cấp những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống cũng như những vật tư nguyên liệu cho các ngành sản xuất của Campuchia như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng...
Kể từ đầu tháng 4/2014, Việt Nam dỡ bỏ thuế quan cho hơn 60 mặt hàng của Campuchia và ngược lại, Campuchia cũng hạ thuế suất cho 20 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam xuống 0%. Đây là lợi thế cạnh tranh mới để hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Campuchia.
Ông Nghĩa cho rằng, giao thương biên mậu giữa Việt Nam - Campuchia đang phát triển tốt. Chẳng hạn, vùng biên giới giữa An Giang và các tỉnh Campuchia, hàng tiêu dùng và hàng nông sản từ Việt Nam cung ứng qua Campuchia mỗi ngày.
Song những hội chợ triển lãm hàng Việt Nam như Hochiminh City Expo tổ chức ở Phnom Penh là hoạt động cần thiết để quảng bá hình ảnh hàng Việt và DN nên chăm chút cho chất lượng sản phẩm. Về lâu dài, Campuchia vẫn thuận lợi vì là thị trường gần, dễ vận chuyển hàng, người tiêu dùng không quá khó tính và đã có cảm tình với hàng Việt Nam.