Có TPP, dệt may Việt Nam sẽ thoát "kiếp gia công"?
Theo các điều khoản của hiệp định một số sản phẩm dệt may phải thực hiện nguyên tắc từ sợi trở đi. Còn một số sản phẩm khác có thể duy trì tình trạng như hiện nay, tức là nhập khẩu ngoài nước TPP vẫn được hưởng ưu đãi...
- 06-11-2015Ngành thép, dệt may lo lắng gì trước TPP?
- 18-10-2015Dệt may Việt Nam: Đón đầu TPP đi kèm bài toán môi trường
- 24-08-2015Đón đầu TPP, hàng tỷ USD vốn ngoại “ồ ạt” đổ vào dệt may
Đăng đàn chất vấn đầu phiên họp buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, trong thời gian vừa qua Bộ Công thương được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan đàm phán Hiệp định Kinh tế Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP và một số FTA.
Trước đó, trong phiên thảo luận buổi sáng, Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa – TP Hồ Chí Minh đặt câu hỏi, TPP sẽ mở cửa cho ngành dệt may với những cơ hội hết sức to lớn, nhưng để được hưởng ưu đãi ngành dệt may phải có nguyên liệu đầu vào đáp ứng nguyên tắc từ sợi trở đi. Tuy nhiên cơ hội giảm thuế có thể trở nên vô nghĩa.
“Thực trạng sản xuất sợi dệt may của Việt Nam hiện nay có đáp ứng yêu cầu hay không. Nếu đáy ứng được thì những doanh nghiệp đang đáp ứng được là ai? Có phải là doanh nghiệp FDI của Trung Quốc, Đài Loan , Hồng Kong…? Làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa phát triển?” – Đại biểu đặt câu hỏi.
“Một nguyên tắc mà chúng tôi luôn lưu ý khi đàm phán là yêu cầu các đối tác dành cho Việt Nam một số ưu đãi cốt lõi, đặc biệt là đối với một số mặt hàng chủ lực như dệt may” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ.
Theo đó, thông qua các hiệp định đã đàm phán và ký kết, về cơ bản Việt Nam đã đạt được một số thỏa thuận. Các nước đều chấp nhận mở cửa cho những hàng hóa Việt Nam có lợi thế vào thị trường nước họ như hàng dệt may.
Với TPP, Hoa Kỳ lo ngại dành ưu đãi cho Việt Nam thì còn vấn đề về xuất xứ hàng hóa. Do đó yêu cầu nếu nguyên liệu xuất xứ từ Việt Nam thì được hưởng ưu đãi, còn sẽ không được hưởng ưu đãi. Nguyên tắc “từ sợi trở đi” đòi hỏi hàng dệt may Việt Nam phải có vải hoặc sợi sản xuất tại Việt Nam thì mới được hưởng ưu đãi.
“Tuy nhiên, theo các điều khoản của hiệp định một số sản phẩm dệt may phải thực hiện nguyên tắc từ sợi trở đi. Còn một số sản phẩm khác có thể duy trì tình trạng như hiện nay, tức là nhập khẩu ngoài nước TPP vẫn được hưởng ưu đãi” – Tư lệnh ngành Công thương cho biết.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hiện nay chúng ta đã đàm phán được khoảng 184 trong tổng số 186 mặt hàng dệt may không phải đáp ứng yêu cầu từ sợi trở đi. Tuy nhiên, 184 mặt hàng này mới chỉ chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu, còn 85% phải đáp ứng yêu cầu từ sợ trở đi.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận định, quá trình đàm phán cho thấy rằng TPP là thách thức lớn nhưng đồng thời là cơ hội để nâng giá trị sản phẩm dệt may của Việt Nam.
“Nếu cứ duy trì tình trạng này Việt Nam sẽ mãi là thị trường gia công, làm thuê cho nước ngoài. Do vậy, thời gian qua ngành dệt may đã vận động, tăng cường đầu tư và nâng cao chuỗi giá trị. Trong giai đoạn từ 2013-2014, Việt Nam đã thu hút đầu tư vào dệt may đạt 3 tỷ USD” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Theo Bộ trưởng, dự kiến đến năm 2018 khi TPP có hiệu lực thì tỷ trọng hàng dệt may của Việt Nam có xuất xứ từ sợi trở đi đạt 60%.
Về tỷ lệ nội địa hóa, Bộ trưởng cho biết, vải dệt kim chúng ta có thể tự lo 85%, vải dệt thoi mới sản xuất được khoảng 30%, sợi cơ bản đã sản xuất đủ theo nhu cầu, năm 2014 đã xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD sợi. Tính trung bình, tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may đã tăng từ 20% lên 50% trong khoảng 10 năm.
“Để tận dụng cơ hội, trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may sẽ tăng đầu tư vào khâu vải, kể cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài. Bước đi này cũng phù hợp với tình hình thực tế, giúp Việt Nam tận dụng cơ hội từ TPP và giảm thách thức” – Người đứng đầu ngành Công thương khẳng định.
Trong khi đó, trả lời chất vấn về vấn đề gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, những hành vi này là vấn nạn của xã hội và cần được xử lý. Để xử lý hoàn toàn, nhiệm vụ còn rất khó khăn và đòi hỏi nhiều thời gian.
Trên tinh thần đó, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan tăng cường năng lực của các cơ quan liên quan, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, sửa đổi các văn bản. Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát tăng cường ý thức của doanh nghiệp, có thái độ rõ ràng với hàng giả, hàng kém chất lượng.
Về thương lái, theo Bộ trưởng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam, phần lớn sản xuất nông nghiệp vẫn theo mô hình phân tán nhỏ lẻ nên vẫn cần đến thương lái. Chẳng hạn đối với những vùng như đồng bằng sông Cửu Long địa bàn xa xôi, vai trò của thương lái vẫn hết sức cần thiết.
“Chúng ta chỉ ủng hộ những hoạt động của thương lái làm ăn nghiêm túc, những thương lái lợi dụng thị trường để ép giá với người nông dân cần phải xử lý nghiêm khắc” – Bộ trưởng cho biết.
Về biện pháp tính đến sự cần thiết của thương lái, cần làm tốt hơn công tác thông tin tuyên truyền, đặt lợi ích phù hợp, tránh lợi dụng để ép giá. Về quản lý nhà nước, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm.
Về vai trò của doanh nghiệp và nhà nước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, cần tăng cường hơn nữa kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ. Trong quan hệ giữa các bộ, ngành cần nghiên cứu và có biện pháp phù hợp hơn trong việc gắn kết các nhà sản xuất, nhà nông và ngân hàng.
Đăng đàn tại phiên chất vấn chiều 17/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm của Chính phủ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội đang lo ngại.
Cụ thể, Phó Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, các bộ ngành, địa phương và đoàn thể đã có phối hợp và có nhiều tiến bộ trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Song vẫn còn nhiều bất cập và chưa đạt được mong muốn của Chính phủ và người dân.
Theo Phó Thủ tướng, vấn đề này có nhiều nguyên nhân nhưng không phải bất cập yếu kém là do sự phân công, phân nhiệm chồng chéo. Bởi trước năm 2011 quản lý theo cách phân đoạn: Bộ Nông nghiệp quản lý sản xuất, Bộ Công thương quản lý lưu thông và Bộ Y tế quản lý chế biến.
“Nhưng sau đó ta xây dựng tư duy theo chuỗi, theo ngành hàng. Hiện đã có Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm, thường xuyên trao đổi thậm chí bằng điện thoại, để xem vấn đề gì còn để lọt, cái gì còn chồng chéo và đề nghị xử lý ngay” – Phó Thủ tướng cho biết.
Theo Phó Thủ tướng, vấn đề quan trọng là luật đã có đầy đủ, nhưng cần phải bổ sung tiếp, kể cả xử lý hình sự. Nếu thực hiện tốt thì vấn đề có thể giải quyết cơ bản, quan trọng ở đây là phải tổ chức thực hiện theo từng ngành dọc, trong đó có sự vào cuộc của các cấp chính quyền bên dưới, không chỉ có sự phối hợp 3 bộ ngành mà quản lý bằng pháp luật, vận động nhân dân.
“Chúng tôi đã làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để soạn thảo chương trình và các đoàn thể để làm thật tốt việc này. Chúng tôi tin rằng sẽ tạo chuyển biến tích cực hơn nhiều vì hoạt động đồng sản xuất kinh doanh thực phẩm, diễn ra ở từng hộ gia đình, với nửa triệu hộ chế biến” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, làm được điều này sẽ khắc phục được tình trạng thanh kiểm tra, trung bình thanh tra 400.000 lượt an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính phủ cho thí điểm thanh tra liên ngành nhưng chỉ được 10 đơn vị quận huyện của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Quyết định thí điểm đó là để huy động những người không làm thanh tra chuyên trách cũng có thể kiểm tra được.
Cũng tại phiên thảo luận này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời chất vấn của cử tri và đại biểu Quốc hội về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong quá trình chuẩn bị cho hội nhập ASEAN và hội nhập kinh tế quốc tế, thì mỗi văn bản, văn kiện hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đều được chuẩn bị nhiều năm. Mỗi lần như vậy các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội và người dân đều có những thông tin về quá trình này.
Chính phủ cũng đưa ra Nghị quyết và các phiên họp bàn về nội dung này, đưa ra chương trình hành động thực hiện công tác hội nhập từ ASEAN đến WTO, TPP… Trong đó có nội dung Chính phủ phải làm và công việc giao cho các bộ ngành, cũng như xây dựng các chương trình hành động.
Theo Phó Thủ tướng, khi tham gia đàm phán thì Bộ Công thương, Bộ Tài chính và cơ quan đều có trao đổi doanh nghiệp và ngành hàng, hiệp hội để đánh giá mặt được, không được và mặt không thuận trong đàm phán.
Quan trọng nhất là chỉ đạo tạo ra lộ trình thích hợp cho các ngành hàng bị thách thức lớn để dành thời gian cho doanh nghiệp và ngành hàng đó có thời gian chuẩn bị. Đồng thời tạo ra lộ trình để doanh nghiệp và người dân nắm được thông tin.
Khi hội nhập, vấn đề đầu tiên là phải sửa đổi văn bản pháp luật để hài hòa với hội nhập. Trong thời gian qua, chúng ta đã mất nhiều thời gian để điều chỉnh chính sách liên quan, luật thuế và biểu thuế để hội nhập. Tham gia ASEAN và WTO, Việt Nam được đánh giá là nước đáp ứng được tiêu chí trong hội nhập.
Với doanh nghiệp, các bộ thực hiện nhiều hội thảo trao đổi để đưa ra nhận định và giải pháp ứng phó thực hiện. Chính phủ cũng đã phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại và hội thảo đầu tư để doanh nghiệp làm quen dần trong hội nhập.
Bản thân doanh nghiệp cũng tự xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch của mình để ứng phó, xây dựng hoạt động. Tuy nhiên, không phải toàn bộ doanh nghiệp đều quan tâm đến hội nhập, vì nhiều doanh nghiệp, ngành hàng không có liên quan nhiều đến hội nhập nên họ chủ quan hơn. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường tuyên truyền thông tin hội nhập cho DN.
Lo ngại về sự chuyển dịch lao động trong hội nhập, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay trong đàm phán hội nhập lao động chưa đưa ra cam kết mà chỉ lao động kỹ thuật cao thì cho phép còn lao động du lịch chưa cho phép.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng khẳng định, lo ngại về hàng hóa khó cạnh tranh, lao động ế ẩm là lo ngại có cơ sở, là thách thức có thể xảy ra. Nhưng từ năm 1995 đến nay xuất khẩu vẫn tăng lên cho thấy khả năng ứng phó có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, đối với sức ép về cạnh tranh và hội nhập thì Chính phủ và các bộ ngành phải có giải pháp, chấp nhận có sản phẩm ngành hàng có cạnh tranh, có sản phẩm yếu hơn nên phải có giải pháp hỗ trợ ngành hàng đó. Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và nông nghiệp để tìm ra ngành hàng và sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.
Liên quan đến những băn khoăn của Đại biểu Quốc hội về vốn dư 14.000 tỷ làm Quốc Lộ 1A, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng giải thích dự án Quốc lộ 1A nhờ vào việc giảm vốn ở các hạng mục, đồng thời đẩy nhanh giải phóng mặt bằng… Theo đó, Bộ trưởng khẳng định hiện đang tiếp tục rà soát các dự án để tiết kiệm nguồn kinh phí sử dụng vốn khi triển khai thực hiện.
Đối với những vấn đề của ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định, du lịch thời gian vừa qua đã có ý nghĩa quan trọng trong đóng góp kinh tế - xã hội.
Cụ thể, báo cáo trước Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết ngành du lịch đã tăng trưởng 1,6 lần. Mặc dù khủng hoảng kinh tế và khủng bố ở nhiều nước nhưng những thành tựu mà du lịch Việt Nam đạt được là rất đáng ghi nhận. Trong năm 2015, Việt Nam đón 8 triệu lượt khách du lịch, với 320 nghìn tỷ đồng, tương đương 15 tỷ USD.