MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cộng đồng kinh tế ASEAN - Cơ hội và thách thức ?

Cộng đồng kinh tế ASEAN – ASEAN Economic Community (AEC) là một khối hợp tác kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN dự định sẽ được thành lập vào năm 2015. AEC là một trong 3 trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN (Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội) nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020.

Mục tiêu của AEC nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế công bằng trong khu vực, tạo ra một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

Lợi ích mà các thành viên có được khi AEC được hình thành đó là tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn, tăng cường năng lực sản xuất và tính cạnh tranh.
Vốn FDI vào Singapore chiếm hơn 22%GDP đất nước này. Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Đặc biệt, AEC chú trọng đến mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước, cũng là lĩnh vực mà Việt Nam hết sức quan tâm.

AEC không hướng tới một cộng đồng giống như Cộng đồng kinh tế châu Âu – tức có đồng tiền chung, chính sách kinh tế, tiền tệ chung.

Nếu được thành lập, AEC sẽlà một thị trường chung có quy mô lớn với hơn 600 triệu dân và tổng GDP hàng năm vào khoảng 2.000 tỷ USD.

Kim ngạch nhập khẩu của toàn khối ASEAN (không tính Myanmar) hàng năm khoảng 1.329 tỷ USD (năm 2011) và xuất khẩu đạt 1.460,8 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 7,36% kim ngạch xuất khẩu; và 8,5% kim ngạch nhập khẩu.

Gạo và dầu thô vẫn là hai nhóm hàng chính Việt Nam xuất sang thị trường này, với trị giá chiếm xấp xỉ 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN; ngoài ra, còn có những mặt hàng khác như xăng dầu các loại, sắp thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ ASEAN chủ yếu máy móc thiết bị, dầu thô, phương tiện, dụng cụ....

Vậy AEC sẽ mang lại thuận lợi – khó khăn gì cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Như Bộ trưởng Phạm Bình Minh trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, khi AEC được thành lập, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thị trường rộng lớn hơn. Bởi, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ hướng vào sản xuất nội địa mà sẽ hướng ra thị trường chung, và thị trường mà ASEAN đã có FTA như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Thêm vào đó, thuế suất trong ASEAN sẽ về 0%, do đó, các doanh nghiệp ở Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN sẽ được hưởng lợi, không phải chịu thuế nhập khẩu tại thị trường nhập khẩu. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ không phải đóng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm/máy móc thiết bị từ các nước thành viên, qua đó, hạ giá thành và có điều kiện để tăng năng lực cạnh tranh.

Các sản phẩm sản xuất có tỷ lệ “nội khối” 60% được xem là sản phẩm vùng ASEAN, sẽ được hưởng các ưu đãi khi xuất khẩu sang các thị trường khu vực ASEAN đã có FTA.

Ngoài ra, Việt Nam có thể hạn chế những tiêu cực trong lợi dụng chênh lệch giá xăng dầu giữa Việt Nam – Capuchia. Bởi 3 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam và tạo ra thặng dư thương mại cao nhất là Campuchia, Malaixia, Philippines. Xét riêng thị trường Campuchia, 30% giá trị xuất khẩu là hàng xăng dầu – là mặt hàng đang được Nhà nước điều tiết. Vì vậy, khi AEC thành lập, giá xăng dầu ở Việt Nam nhiều khả năng vận hành theo giá thị trường tự do. Chênh lệch giá xăng dầu giữa Việt Nam – Campuchia nếu có cũng sẽ bị thu hẹp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi về thuế, quy mô thị trường, doanh nghiệp có điều kiện hạ giá thành sản phẩm, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như Chính phủ sẽ phải đối mặt với những thách thức:

AEC tạo ra thị trường chung, không còn rào cản không gian kinh tế, hàng hóa, dịch vụ, vốn... Do đó, sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các thành viên khu vực trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ ngoài ASEAN vào những ngành chiếm dụng lao động phổ thông và đất.

Việt Nam vẫn đang bị nhập siêu từ ASEAN do nhập siêu lớn từ Singapore và Thái Lan, Brunei. Sản phẩm nhập khẩu của những nước này vào Việt Nam chủ yếu là máy móc thiết bị, hàng điện tử, xăng dầu các loại.

Do đó, khi AEC được thành lập, các khoản thuế đóng góp vào ngân sách nhóm hàng này từ 3 thị trường trên sẽ không còn, ảnh hưởng ít nhiều đến ngân sách quốc gia. Qua đó đẩy áp lực cân đối ngân sách cho Chính phủ.

Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử Việt Nam đối mặt với nguy cơ bị đẩy ra khỏi ngành do hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan và Singapore.

Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ hơn là những mục tiêu quan trọng của AEC. Nhưng nhìn vào thực tế năng lực của mỗi quốc gia, nguy cơ phân hóa thu nhập sẽ khó tránh khỏi nếu Chính phủ các nước thành viên thu nhập trung bình thấp không làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, ngành hàng chiến lược mà chúng ta đang có lợi thế.

Thu nhập bình quân đầu người GNI của Singapore bằng 33,7 lần GNI của Việt Nam. Nguồn: WDI.

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên