MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CPH đường sắt Hà Nội: Cách nào giải bài toán lao động dôi dư?

Sơ bộ có khoảng trên 700 lao động thuộc diện nghỉ chế độ, chấm dứt hợp đồng lao động và xin chuyển công tác.

Để hoàn tất công tác cổ phần hóa (CPH) và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình mới từ ngày 1/1/2016, Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội đang phải giải quyết hài hòa hai bài toán khó là lao động dôi dư và tăng trưởng sản xuất kinh doanh.

Thỏa đáng quyền lợi cho người lao động

Tháng 4/2014, thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại khối vận tải của Tổng công ty Đường sắt VN (VNR), hàng nghìn lao động từ Công ty Vận tải hàng hóa đường sắt và Liên hiệp Sức kéo đường sắt được chuyển về Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội, khiến dư ra một lượng lớn lao động, đặc biệt ở khối gián tiếp.

Đến cuối năm 2014, đơn vị này vẫn tiếp tục phải giải quyết bài toán về nhân sự, lao động khi tiến hành thành lập các chi nhánh vận tải, tách chức năng kinh doanh vận tải ra khỏi ga theo mô hình tổ chức mới của VNR.

Theo ông Trần Quốc Đạt, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy công ty, việc sắp xếp, tinh giản lao động khi CPH là biện pháp quan trọng để giảm chi phí, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, thu hút khách hàng.

Trong sắp xếp lao động, đơn vị sẽ xây dựng tiêu chí cụ thể, mỗi tiêu chí lại có quy định để lượng hóa, tránh tùy tiện gây hiểu nhầm trong quá trình thực hiện. Trong sắp xếp lao động, quan tâm đến những trường hợp CBCNV có hoàn cảnh gia đình và điều kiện sống đặc biệt khó khăn.

“Quá trình triển khai phải cân nhắc kỹ lưỡng khi tổ chức lao động sao cho “đúng người, đúng việc”, nâng cao năng suất, đảm bảo hiệu quả, chất lượng công việc.

Tuy nhiên, khi sắp xếp chúng tôi phải quan tâm đến cả yếu tố hoàn cảnh gia đình của người lao động. Với những lao động thuộc diện sắp xếp, dôi dư phải giải quyết chế độ, quyền lợi người lao động thỏa đáng, đúng quy định” -Ông Đạt nói.

Đến nay, sơ bộ có khoảng trên 700 lao động thuộc diện nghỉ chế độ, chấm dứt hợp đồng lao động và xin chuyển công tác. Để có thể làm tốt bài toán “lao động dôi dư” với số lao động lớn như vậy, Đảng ủy Công ty cần yêu cầu người đứng đầu đơn vị, đứng đầu cấp ủy và các tổ chức đoàn thể tăng cường, làm tốt công tác tư tưởng, đẩy mạnh tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của CBCNV để kịp thời xử lý, giải quyết các vướng mắc, giải quyết chế độ cho người lao động để họ yên tâm nghỉ việc hoặc tìm công việc khác.

Mở rộng sản xuất kinh doanh

“Trong điều kiện thị trường vận tải nội địa cạnh tranh gay gắt giữa các phương tiện, các loại hình vận tải và giữa các doanh nghiệp vận tải đường sắt thì vận tải đường sắt không có nhiều ưu thế, thị phần không cao.

Vì vậy, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ CPH, đơn vị cũng phải thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo hiệu quả trong sản xuất kinh doanh” - Ông Đạt cho biết.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội cũng cho biết, tới đây đơn vị sẽ triển khai lộ trình thay đổi toàn diện về bản chất quản trị doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh khi thành lập công ty cổ phần.

Trong đó, phân cấp hơn nữa cho chi nhánh vận tải đường sắt, để các chi nhánh trực tiếp kinh doanh vận tải, phấn đấu cân bằng thu chi, có lợi nhuận, bảo toàn vốn chủ sở hữu.

Đặc biệt, đơn vị sẽ chú trọng các giải pháp kiểm soát chi phí để loại bỏ chi phí không hợp lý nhằm giảm giá thành vận tải, từ đó xây dựng được giá hợp lý.

Nghiên cứu, xây dựng quy chế để từ năm 2016, toàn công ty thực hiện trả lương dựa trên chất lượng, hiệu quả công việc, hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc trả lương mang tính bình quân chủ nghĩa. Xây dựng cơ chế thanh toán sản phẩm từ cấp chi nhánh đến các trạm và người lao động để kích thích, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

 

Theo Thanh Thúy

Báo Giao Thông

Trở lên trên