MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"CPI đã trở về với mức tương đương các nước trong khu vực"

Từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luôn được kiểm soát ở mức thấp. Mức tăng giá trong các tháng cũng đều thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) xung quanh vấn đề này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 8-2014 chỉ tăng 0,22% so với tháng trước, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Những nguyên nhân nào khiến chỉ số giá tháng này tăng thấp như vậy, thưa bà?

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8-2014 tăng 0,22% so với tháng trước và so với cùng kì tăng 4,31%, so với tháng 12-2013 là tăng 1,84%. Đúng là CPI tháng 8-2014 có mức tăng thấp hơn các tháng 8 từ năm 2004 trở lại đây. Thực tế từ đầu năm đến nay, CPI các tháng đều có mức tăng thấp hơn nhiều các năm trước. 

Do vậy CPI 8 tháng mới chỉ tăng 1,84%. Nguyên nhân khiến CPI tăng thấp là do vụ Đông Xuân được mùa trên cả nước, sản lượng lương thực dồi dào nên giá cả lương thực không biến động nhiều. Tháng 8 cũng bắt đầu vào vụ Hè Thu của các tỉnh phía Nam, cho nên sản lượng lương thực càng dồi dào hơn. Ngoài ra giá cả các mặt hàng thiết yếu trên thế giới cũng khá ổn định, một số mặt hàng như giá xăng dầu, giá gas còn có xu hướng giảm nên giá trong nước giảm theo.

Mặt khác, trên cơ sở Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 2-1-2014 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, các ngành các cấp đã tích cực triển khai Nghị quyết này. Ví dụ dịp tết Nguyên đán, các ngành các cấp đã tích cực tham gia bình ổn giá hàng Tết nên góp phần làm cho CPI ổn định hơn và không tăng đột biến.

 Bộ Tài chính cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, có hàng loạt giải pháp bình ổn giá ở các địa phương, điển hình như bình ổn giá sữa. Ngân hàng Nhà nước cũng có Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ để đảm bảo hoạt động tiền tệ an toàn hiệu quả. 

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là năm 2014 điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. Mặc dù có sự điều chỉnh tỉ giá liên ngân hàng 1% nhưng về cơ bản, thị trường ngoại tệ khá ổn định. Hiện tại tỉ giá đồng USD trong ngân hàng cũng như ngoài thị trường tự do dao động dưới mức trần là 21.246 đồng/USD. Điều này càng tạo điều kiện kiềm chế được tốc độ tăng của CPI.

Có ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến CPI tăng thấp là do tổng cầu thấp, sức mua giảm. Quan điểm của bà về ý kiến này?

Ngoài một số nguyên nhân khiến CPI 8 tháng đầu năm tăng thấp tôi đã nói còn có một yếu tố có thể góp phần làm CPI tăng thấp là tình hình kinh tế khó khăn trong 2 năm gần đây nên người tiêu dùng cũng tiết kiệm chi tiêu hơn và tập trung vào các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. 

Người dân cũng chi tiêu thông minh hơn, họ biết lựa chọn những gì cần thiết cho cuộc sống hàng ngày chứ không chi tiêu tràn lan. Giá cả có thể tăng khi người dân mua sắm dồn dập, ngược lại giá cả không thể tăng khi người tiêu dùng biết lựa chọn việc mua bán hợp lí. Tuy nhiên nếu đánh giá tổng cầu thấp khiến CPI tăng thấp là không hẳn.

So với các nước trong khu vực thì CPI của nước ta hiện tại như thế nào, thưa bà?

So với các nước trong khu vực, hiện tại với chỉ số giá của Việt Nam vẫn là khá cao so với Malaysia, Thái Lan. Song so với Indonesia, Philippines thì mức tăng CPI của nước ta cũng tương đương. Những năm trước, CPI của Việt Nam thường có mức tăng cao hơn so với các nước trong khu vực, song năm nay CPI đã trở về với mức tương đương các nước trong khu vực. 

Điều đó chứng tỏ chúng ta điều hành chính sách tiền tệ nói riêng và chính sách nói chung đã tốt hơn. Ví dụ những năm trước giá thế giới tăng thì chỉ số giá ở Việt Nam luôn luôn tăng cao hơn các nước khác. Tâm lí của Việt Nam vẫn quen với lạm phát cao, nên khi thấy lạm phát thấp thì chúng ta nghĩ rằng tổng cầu thấp hay do kinh tế kém phát triển. Theo tôi điều này chưa hẳn là chính xác. Mức tăng CPI như hiện tại là vừa phải.

Từ nay đến cuối năm có những yếu tố nào khiến mức tăng CPI có thể bị tác động, thưa bà?

Từ nay đến cuối năm có một số yếu tố ảnh hưởng đến CPI. Tháng 9 là tháng tựu trường nên thông thường theo chu kì chỉ số giá giáo dục sẽ tăng lên làm ảnh hưởng đến CPI chung cả nước. Những yếu tố khách quan như thiên tai có thể xảy ra vào tháng 10-11 có thể làm cho giá cả tăng cục bộ ở một số địa phương, ảnh hưởng chỉ số giá chung của cả nước. 

Ngoài ra, tiêu dùng vào những tháng cuối năm tăng lên để phục vụ tết Nguyên đán cũng là yếu tố tăng CPI. Tuy nhiên theo dự báo của chúng tôi, CPI năm nay vẫn tăng dưới 5%.

Xin cảm ơn bà!

>>>Bà Phạm Chi Lan: Lạm phát thấp nhưng doanh nghiệp chưa mừng!

Theo Lương Bằng 

cucpth

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên