CPI giảm: Thử thách sự kiên định
Theo nguồn tin từ Tổng cục Thống kê, lạm phát lõi (core inflation) loại trừ lương thực và năng lượng theo thông lệ tại tháng 4/2013 vẫn tăng 2,96% so với tháng 12 năm ngoái trong khi CPI chỉ tăng 2,41%.
Sự bất thường CPI ở thời điểm này đang gây “chia rẽ” trong quan điểm điều hành chính sách theo mục tiêu tăng trưởng, hay ổn định. “Nhiều lúc thấy nói sao cũng được. Chỗ này thì bảo cần ổn định và chấp nhận tăng trưởng thấp để cơ cấu lại nền kinh tế, rồi chỗ kia lại bảo DN đang khó khăn quá, nên cứu...”, ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói với Thời báo Ngân hàng.
Kinh tế trì trệ - lỗi ở đâu?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2013 đã chốt thêm một bằng chứng khá thuyết phục nữa cho quan điểm hô hào cứu nền kinh tế. Cụ thể, Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng này trở lại mức giảm so với tháng trước, dù là chưa đến 0,1% nhưng vẫn là giảm. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, trong tháng 4 trước đó, nếu loại trừ tác động từ nhân tố dịch vụ y tế thì thực tế CPI đã giảm. Và như vậy, toàn bộ 3 tháng gần đây CPI cho thấy những biểu hiện của một nền kinh tế đình trệ.
Điều hiển nhiên đó - kinh tế đình trệ, không có gì phải bàn cãi. Nhưng cái đáng bàn là nhiều phân tích, đề xuất trong thời gian này dường như khá rối. “Nhiều lúc thấy nói sao cũng được. Chỗ này thì bảo cần ổn định và chấp nhận tăng trưởng thấp để cơ cấu lại nền kinh tế, rồi chỗ kia lại bảo DN đang khó khăn quá, nên cứu...”, ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói với Thời báo Ngân hàng.
Nhìn lại những nỗ lực của giới chuyên gia trong việc thuyết phục Chính phủ điều hành nền kinh tế gắn với mục tiêu ổn định là hàng đầu mấy năm về trước, khi đó không xuất hiện bất kỳ lời cảnh báo nào về sức chịu đựng của kinh tế Việt Nam đến đâu để đánh đổi tăng trưởng thấp lấy ổn định.
Những bài học của giai đoạn trước, từ sự nóng vội đầu tư để tạo hạ tầng tốt hơn cho tăng trưởng đã khiến tín dụng phình quá nhanh. Công bằng mà nói, đó không phải là quan điểm sai lầm, mà đúng mức hơn là chưa phù hợp về thời điểm. Ngay trong chuyện vốn vào bất động sản cũng không thể nói là một lĩnh vực không cần thiết đối với người dân Việt Nam.
Tất nhiên, thời điểm cung lượng lớn căn hộ cao cấp như vừa qua là quá sớm, với sai lầm thuộc về tầm nhìn của DN. Và vì vậy, cơ cấu lại đầu tư, hệ thống tài chính, DN là chủ trương nhận được sự đồng thuận lớn nhất. Nhưng nay, với phía đại diện cho quan điểm cứu nền kinh tế thì việc tái cơ cấu, việc hy sinh tăng trưởng để đổi lấy ổn định dường như lại là lỗi của điều hành?
Nhiều ý kiến cho rằng chính sách tiền tệ đang thắt quá chặt là lý do chính dẫn đến tình thế hiện nay của nền kinh tế. Tuy nhiên, xét về bản chất không hẳn là như vậy. Theo nguồn tin từ Tổng cục Thống kê, lạm phát lõi (core inflation) loại trừ lương thực và năng lượng theo thông lệ tại tháng 4/2013 vẫn tăng 2,96% so với tháng 12 năm ngoái trong khi CPI chỉ tăng 2,41%. “Rất hiếm khi thấy nền kinh tế Việt Nam xuất hiện tình trạng lạm phát lõi tăng cao hơn lạm phát chung”, vị chuyên gia nọ lưu ý.
Nhìn nhận trên được ông Trịnh Quang Anh (Tập đoàn Đầu tư Phát triển Hà Nội) đồng tình. Tại hội thảo “lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam với mục tiêu phát triển bền vững” do Viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức mới đây, vị này khẳng định lạm phát lõi không quá thấp. Cho nên, yếu tố rủi ro tiền tệ tác động vào lạm phát vẫn còn.
Với giả định CPI lương thực, thực phẩm có thể sẽ đảo chiều tăng lên trong thời gian tới, “chúng ta giữ được CPI tăng thấp ở vài tháng nữa, nhưng lạm phát lõi đang đứng trên lạm phát tổng thể, chưa kể sẽ có những điều chỉnh giá y tế, điện nữa...”, ông Trịnh Quang Anh cảnh báo.
Cứu hay để DN tự cơ cấu?
Củng cố cho quan điểm nên cẩn trọng với tín dụng tăng quá cao ngay cả trong thời điểm hiện nay, nhóm nghiên cứu từ Viện Chính sách và Phát triển khi phân tích mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát trên thế giới và Việt Nam cũng lập luận rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam lâu nay chủ yếu dựa vào vốn. Khi mà hiệu quả đầu tư thấp, thể hiện qua hệ số ICOR cao, khiến nhu cầu tăng tín dụng và cung tiền luôn luôn ở mức cao.
Đây chính là yếu tố tiềm ẩn làm lạm phát tăng cao. Vì vậy, kích cầu đầu tư cũng không có gì để an tâm, ngay trong tình thế này.
“Trong ngắn hạn, nếu bằng mọi giá phải đạt được đồng thời cả 2 mục tiêu (tăng trưởng cao và lạm phát thấp) thì sẽ đi vào vòng xoáy lạm phát cao, tăng trưởng thấp”, báo cáo của Viện Chính sách và Phát triển khẳng định.
Còn với khối DN, đối tượng đang được hô hào cứu, cũng trong buổi hội thảo nêu trên, nhiều lãnh đạo cấp cao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lưu ý đến những “lạc lõng” của DN Việt Nam.
DN cần phải nhìn lại năng lực của mình thay vì đang quá phụ thuộc vào vốn vay và dựa nhiều vào mối quan hệ... Còn ông Cao Viết Sinh - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu thêm, DN các nước rất nhanh nhạy, cứ cuối năm là phá giá để cố đẩy hàng cũ đi. Còn DN Việt Nam thì dù giảm giá đấy nhưng giá vẫn cao. Vậy phải chăng nên cứu hay để DN tự cơ cấu lại?
Cuối cùng, lập luận trở lại với quan điểm nên chấp nhận lạm phát tăng lên để cứu nền kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ đặt câu hỏi, ai sợ lạm phát nhất? Theo ông, ảnh hưởng lớn nhất từ lạm phát là người thu nhập thấp và trung bình. “Nên kiên trì quan điểm ổn định vĩ mô”, ông nói. Còn TS. Lê Xuân Đình thì thêm rằng: “Chúng ta ăn lạm phát ngủ lạm phát, khiến cho cứ tập trung vào chống lạm phát mà quên đi nhiều việc khác...”. Cho nên, lạm phát giảm trong tháng này lại thêm một lần thử thách sự kiên định trong điều hành kinh tế. “Nên chọn một mục tiêu ổn định, dù phải trả giá đấy nhưng còn hơn cứ chuyển mục tiêu liên tục”, ông Thức nói.
Theo Anh Quân