CPI sẽ hoàn thành kế hoạch
Xác định rõ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nên Chính phủ đang cùng các bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát tốt lạm phát trong năm nay.
Đầu năm, khi ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ đặt ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Cụ thể, mục tiêu năm 2014 kiểm soát lạm phát ở mức 6,5% - 7% để tạo tiền đề đến năm 2015, lạm phát được kiểm soát ở khoảng 5% - 6%.
Tại thời điểm đó, đã có nhiều ý kiến trái chiều về chỉ tiêu kiểm soát lạm phát: người bảo cao, kẻ nói thấp. Song, qua 2 tháng đầu năm 2014, có vẻ như lạm phát đang được kiểm soát rất tốt. Liên tiếp trong tháng 1 và 2/2014, những “kỷ lục” về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp đã được lập. Theo đó, CPI 2 tháng đầu năm nay chỉ tăng 1,24% - mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua - cho thấy điều rõ ràng là đà tăng của CPI đã chậm lại.
Một số chuyên gia kinh tế trong nước nhận định, CPI tăng thấp thể hiện tổng cầu quá yếu. Báo cáo kinh tế vĩ mô, triển vọng thị trường Việt Nam của HSBC cũng chỉ ra rằng, chỉ số CPI đang cho thấy nhu cầu nội địa khá yếu ớt. “Chúng tôi đã hạ dự báo CPI năm 2014 từ mức 7,3% xuống còn 6,5% do giá dầu giảm, nhu cầu nội địa yếu hơn mong đợi và giá gạo chỉ tăng nhẹ”, HSBC phân tích. Riêng giá điện tăng nhanh và mặt bằng giá cả không thuận lợi có thể sẽ đẩy lạm phát tăng lên trong những tháng tới, nhưng HSBC vẫn khẳng định CPI cả năm nằm trong mức có thể kiểm soát được.
Tuy nhiên, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, cơ quan này đã phủ nhận thông tin cho rằng CPI tháng 2/2014 giảm là do sức mua yếu. Theo phân tích của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sức mua thể hiện ở tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và sử dụng dịch vụ xã hội. Trong 2 tháng đầu năm, chỉ tiêu này tăng 11,6%, đồng nghĩa với việc so với cùng kỳ, sức mua thực đã tăng. Nếu tính riêng hoạt động mua sắm trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, sức mua đã tăng 72% so với tháng 1/2013. Như vậy, sức mua của Tết 2014 đã tăng gấp 3 lần năm 2013. Điều đó có nghĩa là sức mua tăng chứ không hề giảm.
TS. Lê Đình Ân cho rằng, mặc dù CPI mấy tháng đầu năm thấp nhưng vẫn phải cảnh giác, bởi từ nay tới cuối năm còn một số gói kích thích với lĩnh vực bất động sản, sản xuất nông nghiệp, nông thôn và kể cả nguồn tiền hỗ trợ, cho vay người nghèo tiếp tục đi vào nền kinh tế. Thứ nữa là giá một số hàng hóa thiết yếu như điện, than, xăng dầu, dịch vụ y tế… sẽ tiếp tục được vận hành theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, những yếu tố bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh có thể làm cho nguồn cung hàng hóa sụt giảm, làm giá tăng, gây áp lực lên lạm phát.
Xác định rõ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nên Chính phủ đang cùng các bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát tốt lạm phát trong năm nay. Chẳng hạn như ngày 6/3, Bộ Tài chính yêu cầu các DN xăng dầu phải giữ nguyên giá bán lẻ, mặc dù theo tính toán thì mỗi lít xăng đang “lỗ” hơn 500 đồng. Theo Nghị quyết phiên họp tháng 2, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN xem xét khả năng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, duy trì ổn định tỷ giá và thị trường vàng... Từ phân tích và nhận định tình hình đang khả quan với mục tiêu kiểm soát, Thủ tướng cũng điều chỉnh mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay là 6%, thay cho mức từ 6,5% - 7% như đặt ra hồi đầu năm.
Nhìn lại những năm gần đây, lạm phát luôn được kiểm soát thấp hơn mục tiêu Chính phủ đề ra càng thắp thêm hy vọng cho nhiệm vụ kiểm soát năm nay: năm 2012 mục tiêu là kiểm soát lạm phát dưới 10%, kết quả đạt được là 6,81%; năm 2013 mục tiêu là 8%, kết quả đạt được là 6,04%. Đây cũng là một trong những cơ sở để năm 2014, chúng ta kiểm soát được CPI tăng ở mức thấp hơn so với chỉ tiêu.
Theo Chí Kiên