MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CPI tại Tp.HCM 2 tháng đầu năm tăng rất thấp

Với mức tăng 0,24%, lần đầu tiên sau 10 năm, CPI tháng 2 của Tp.HCM lại có mức tăng thấp hơn tháng 1

Cục Thống kê Tp.HCM vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2014 của thành phố đã tăng 0,24% so với tháng trước và tăng 4,37% so với cùng tháng năm trước. Như vậy, tính từ đầu năm 2014, CPI của thành phố đã tăng 0,64%.

Với mức tăng 0,24% này, lần đầu tiên sau 10 năm, CPI tháng 2 của Tp.HCM lại có mức tăng thấp hơn tháng 1.

Nếu chỉ nhìn vào chỉ số giá, thật khó để xác định đây là diễn biến giá cả của tháng có Tết nguyên đán và được nghỉ dài bởi có đến 2/11 nhóm hàng chính giảm giá, 2 nhóm giá không biến động, 2 nhóm biến động rất nhẹ so với tháng trước.

Các nhóm còn lại có biến động nhưng không nhiều, không tạo sự khác biệt rõ rệt so với các tháng thông thường trong năm.

Hai nhóm giảm giá so tháng trước là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng và nhóm thuốc và dịch vụ y tế với các mức giảm tương ứng 1,49% và 0,01% so với tháng trước.

Mức giảm mạnh nhất trong tháng thuộc về nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt (-1,49%) và vật liệu xây dựng được cơ quan thống kê lý giải là do giá các loại vật liệu xây dựng giảm nhẹ do không phải mùa xây dựng, đồng thời giá gas bán lẻ của tất cả các hãng tiếp tục giảm 43 nghìn đồng/ bình 12kg từ ngày 1/1/2014 cũng tác động kéo chỉ số giá nhóm hàng này âm so với tháng trước.

Đối với nhóm thuốc và dịch vụ y tế, giá bán lẻ một số loại thuốc thông thường giảm nhẹ so với tháng trước trong khi giá dịch vụ khám chữa bệnh vẫn không thay đổi theo quyết định của hội đồng nhân dân thành phố.

Cùng với hai nhóm hàng có giá không đổi so tháng trước là nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục, các nhóm hàng thiết bị đồ dùng gia đình và nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép biến động tăng rất nhẹ nhàng gần như không đổi so với tháng trước ở các mức 0,01% và 0,02%.

Với thời gian nghỉ Tết nguyên đán kéo dài đến 9 ngày, trái với kỳ vọng người dân miền nam sẽ đi du lịch, vui chơi giải trí nhiều qua đó đẩy chỉ số giá nhóm hàng văn hóa, thể thao và du lịch tăng cao so với tháng trước nhưng con số tăng 0,4% đã phản ánh điều ngược lại.

Kinh tế khó khăn trong suốt 2 năm qua khiến đại bộ phận người dân ở nơi vốn nổi tiếng là chịu chơi này cũng phải cắt giảm những khoản chi tiêu dùng này.

Theo đại diện của các hãng lữ hành như Saigontourist, Viettravel, mặc dù công ty có nhiều tour du lịch nghỉ dưỡng, khám phá được thiết kế phù hợp với 9 ngày nghỉ Tết với nhiều ưu đãi đến các điểm du lịch trong và ngoài nước nhưng lượng người quan tâm và mua tour không nhiều, không khác biệt lớn so với ngày thường.

Việc nhu cầu người dân tăng không cao vào dịp Tết nguyên đán năm nay còn được thể hiện qua nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Nhóm hàng nhạy cảm nhất trong các dịp lễ, Tết này chỉ tăng 0,76% so với tháng trước trong đó lương thực tăng 0,15%, thực phẩm tăng 0,84% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,91%.

Một nhóm hàng khác cũng không tăng cao giống như mọi khi vào dịp Tết là nhóm đồ uống và thuốc lá khi ghi nhận ở mức 0,33% so với tháng trước. Trong đó, mức tăng này chỉ tập trung ở các loại nước có gas và thuốc lá. Giá các mặt hàng bia, rượu ổn định do nguồn cung dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt là vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi giá vàng tăng 0,31% so tháng trước và đô la Mỹ giảm 0,07% so tháng trước.

Theo Thái Hà

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên