“CPI tháng 2/2015 sẽ ở mức ổn định hơn các năm trước”
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, CPI tháng 2/2015 sẽ ở mức ổn định hơn so với các năm trước.
- 24-01-2015Giá xăng "lao dốc", CPI cả nước tháng đầu năm 2015 tiếp tục giảm 0,2%
- 22-01-2015CPI TP Hồ Chí Minh tháng đầu năm 2015 tiếp tục giảm 0,48%
- 21-01-2015BVSC: CPI năm 2015 có thể biến động mạnh nếu EVN tăng giá điện thêm 9,5%
- 21-01-2015CPI Long An tháng 1/2015 tiếp tục giảm 0,32% so với tháng trước
CPI tháng đầu năm 2015 của cả nước giảm 0,2%. Đây là điều không quá bất ngờ khi trước đó Hà Nội và TP.HCM đã công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 đều giảm so với tháng 12/2014. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đây là hiện tượng đặc biệt bởi đã 17 năm qua, kể từ khi Việt Nam bắt đầu tính CPI, đây là mức tăng thấp nhất trong các tháng 1.
Để làm rõ hơn những nguyên nhân CPI tháng 1 giảm và dự báo CPI trong tháng 2, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê.
Thông thường, tháng 1 là tháng nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá. Riêng tháng 1 năm nay lại ngược lại khi chỉ số CPI giảm. Vậy theo bà, đây có được coi là điều bất thường hay không?
Bà Đỗ Thị Ngọc: CPI tháng 1 các năm thường tăng cao bởi đây là thời điểm cận Tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân nhiều hơn kéo theo giá hàng hóa tăng. Tuy nhiên, năm nay, CPI giảm 0,2% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ năm 2014, CPI vẫn tăng 0,94%.
Giá CPI tháng 1 giảm hoàn toàn do yếu tố giá xăng dầu giảm. Với mức giảm của giá xăng dầu đã đóng góp cho nhóm giao thông giảm tới 3,96%. Nhóm này đóng góp vào mức giảm chung của CPI tháng 1/2015 tới 0,35%. Cùng với đó, ngày 1/1/2015, giá gas điều chỉnh giảm do đó càng góp phần làm cho CPI tháng 1 giảm mạnh hơn.
3 tháng liên tiếp CPI đều giảm, liệu chúng ta đã nghĩ đến kịch bản giảm phát hay chưa, thưa bà?
Bà Đỗ Thị Ngọc: Theo tôi vẫn chưa đánh giá được mức độ giảm phát. Mặc dù CPI giảm 3 tháng liên tiếp tuy nhiên, khi đánh giá mức độ giảm phát phải nhìn ở nhiều yếu tố vĩ mô khác như GDP, tỷ lệ thất nghiệp, doanh nghiệp phá sản hàng loạt... mới có kết luận được đã có dấu hiệu giảm phát hay chưa.
Theo bà, bà dự đoán CPI tháng 2 sẽ như thế nào?
Bà Đỗ Thị Ngọc: Theo chúng tôi, mức độ giảm của xăng dầu sẽ tác động vào chỉ số giá CPI tháng 2, giảm khoảng 0,39%. Mức độ tiêu dùng của tháng cận Tết sẽ rất cao do đó giá lương thực, thực phẩm sẽ tăng cao nhưng nhờ giá xăng dầu giảm mạnh làm cho giá lương thực thực phẩm không tăng cao như mọi năm. Do đó, theo dự báo của chúng tôi, CPI tháng 2 ở mức ổn định hơn các năm trước rất nhiều.