Cử tri kiến nghị Chính phủ quyết liệt cổ phần hóa DNNN
Trong kiến nghị mới đây, cử tri TP. Hải phòng đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc cổ phần hóa DNNN, đặc biệt là cổ phần hóa trong lĩnh vực giao thông, cảng biển, y tế.
- 27-03-2016“Cổ phần hóa gắn với niêm yết mới có hàng hóa chất lượng cho thị trường”
- 19-03-2016Cổ phần hóa vẫn quá ì ạch
- 11-03-2016Cổ phần hóa DNNN 2016: Dòng tiền chuyển động mạnh
- 04-03-2016Ông Đinh La Thăng: "Muốn lương cao phải cổ phần hóa nhanh!"
Theo Bộ Tài chính kế hoạch giai đoạn 2011- 2015, dự kiến cổ phần hóa 538 DN, riêng giai đoạn 2014- 2015 cổ phần hóa 432 DN.
Thống kê chưa đầy đủ, từ giai đoạn 2011 đến ngày 30-11-2015 đã cổ phần hóa được 422/538 DN (đạt 78% kế hoạch giai đoạn 2011- 2015); riêng giai đoạn 2014 đến ngày 30-11-2015 đã cổ phần hóa đạt 316/432 DN (đạt 73% kế hoạch giai đoạn 2014- 2015).
Năm 2015 cổ phần hóa được 210 DN, như vậy số DN cổ phần hóa giai đoạn 2011- 2015 là 459 DN, đạt khoảng 90% kế hoạch. Riêng 2 năm 2014- 2015 cổ phần hóa được 353 DN, còn 79 DN dự kiến sẽ được chuyển sang cổ phần hóa trong giai đoạn 2016- 2020.
Bộ Tài chính cho biết, qua theo dõi thực tế tình hình triển khai cổ phần hóa thì Bộ Giao thông Vận tải (cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông, cảng biển) là một trong những đơn vị triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể trong giai đoạn 2011- 2015, Bộ này đã triển khai cổ phần hóa 137 DN, trong đó: Lĩnh vực giao thông 126 DN, lĩnh vực cảng biển 11 DN và Tổng công ty Cảng hàng không là DN lớn nhất quản lý và khai thác 22 cảng hàng không; thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông vận tải (đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế).
Nhìn chung thời gian qua các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho các DN thực hiện.
Trên cơ sở các đề án đã được phê duyệt, các tập đoàn, tổng công ty đã tiến hành rà soát, phân loại, xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh chính, ngành nghề có liên quan và xây dựng kế hoạch cổ phần hóa; một số tập đoàn và tổng công ty đã xây dựng, ban hành mới hoặc hoàn thiện hệ thống quy chế quản trị nội bộ, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành nhằm tinh giảm biên chế, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Tài chính, quá trình tái cơ cấu, tiến độ cổ phần hóa DNNN trong thời gian qua còn chậm so với kế hoạch đề ra.
Để đạt được mục tiêu cổ phần hóa đề ra, theo Bộ Tài chính cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát quá trình thực hiện các Đề án tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Đề án tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN.
Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước: Tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để hoàn thành công tác cổ phần hóa đối với các đơn vị chưa hoàn thành theo kế hoạch năm 2015; Tiếp tục quán triệt, thực hiện kế hoạch, lộ trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo hoàn thành theo đúng Đề án đã được phê duyệt. Trong trường hợp lãnh đạo DN không thực hiện đúng hoặc thực hiện không có hiệu quả tái cơ cấu, cổ phần hóa và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN, đề nghị xử lý nghiêm.
Cùng với đó, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tiếp tục rà soát bán phần vốn Nhà nước trong các DN đã cổ phần hóa mà Nhà nước không cần nắm giữ. Bộ Tài chính thực hiện quản lý, giám sát nguồn Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển DN để tập trung nguồn thu từ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn để đầu tư các công trình trọng điểm của Nhà nước.
Báo Hải Quan