MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc “đổ bộ” của DN bán lẻ ngoại: Đe dọa các nhà sản xuất trong nước

Sự xâm nhập mạnh mẽ của các hãng bán lẻ ngoại thông qua các thương vụ M&A đang “đe dọa” chính các nhà sản xuất nội địa khi hàng nhập khẩu rộng đường hơn để vào thị trường.

Hoạt động M&A trong lĩnh vực bán lẻ chiếm tới 36% tổng giá trị các thương vụ, cho thấy sức hấp dẫn của ngành phân phối này. Đáng chú ý là hàng loạt các thương vụ này đều được thực hiện bởi các nhà bán lẻ ngoại.

Trong đó, những thương vụ đình đám nhất phải kể đến là thương vụ Berli Jucker (Thái Lan) mua lại chuỗi hệ thống Metro; Aeon (Nhật Bản) đầu tư vào Citimart và Fivimart; Cetral Group (Thái Lan) nắm 49% cổ phần của Nguyễn Kim.

Sẽ có làn sóng “đổi chủ”?

Gần đây nhất là nhà bán lẻ điện máy Nojima (Nhật Bản) cũng nâng tỷ lệ sở hữu vốn lên 31% tại Trần Anh. Nhiều thông tin trong giới kinh doanh bán lẻ điện máy cũng cho biết, Pico đang được mua lại bởi một nhà bán lẻ Thái.

Theo Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Hiện cả nước có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại. Số cửa hàng tiện lợi có thương hiệu và vận hành theo chuỗi mới chỉ dừng lại ở con số vài trăm.

Theo TS. Phan Chí Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), cùng với hoạt động M&A diễn ra mạnh mẽ khi các siêu thị liên tục đổi chủ, thị trường bán lẻ đang cạnh tranh rất khốc liệt.

Dẫn chứng, theo tính toán trung bình thì cứ 4 siêu thị ra đời, sẽ có 2 siêu thị phải đóng cửa do không đủ sức cạnh tranh.

Trong khi đó, đánh giá về chất lượng dịch vụ của các nhà bán lẻ nội địa, TS. Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quản trị kinh doanh, cho rằng năng lực quản trị và chất lượng dịch vụ của DN bán lẻ nội vẫn còn yếu kém.

“Phần lớn các nhà bán lẻ còn hạn chế về trình độ chuyên môn của nhân viên, thái độ và kỹ năng giao tiếp khiến khách hàng chưa hài lòng. Đặc biệt khi nhận lại hoặc đổi hàng, thái độ của nhân viên khi giải quyết vấn đề còn kém”, TS. Hà đánh giá.

Khảo sát được Tập đoàn Hoa Sao đưa ra, hệ thống đường dây nóng của hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ đều có thời gian kết nối chờ dịch vụ quá dài. Đặc biệt, 100% các cuộc gọi nhỡ nhà bán lẻ đều không gọi lại cho khách hàng.

Hàng nội bị “đe dọa”?

Với năng lực quản trị kém, kỹ năng chăm sóc khách hàng còn hạn chế, nhiều chuyên gia lo ngại các DN bán lẻ Việt Nam có thể “thua” trên sân nhà.

Đặc biệt, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng,… TS. Anh cho rằng với một sân chơi mới được thiết lập, sẽ có nhiều thách thức với DN.

Theo đó, làn sóng “đổi chủ” của các thương hiệu bán lẻ trên thị trường Việt Nam có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn và không ít nhà bán lẻ sẽ phải chấp nhận bỏ cuộc chơi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vấn đề mà TS. Anh lo ngại hơn cả là cuộc đổ bộ của các nhà bán lẻ nước ngoài có thể sẽ “bóp chết” nhà sản xuất trong nước.

Bởi lẽ, khi các nhà bán lẻ nước ngoài nắm quyền quản lý, hàng hóa nhập khẩu hoặc các nhãn hàn riêng cũng sẽ vào hệ thống và cạnh tranh trực tiếp với hàng nội.

Những lo ngại của vị chuyên gia trên không phải là không có cơ sở, khi một số nhà bán lẻ nước ngoài thông qua M&A với DN bán lẻ nội, đã đưa hàng ngoại nhập vào hệ thống siêu thị.

Đơn cử, mới đây nhất khi Trần Anh khai trương siêu thị rộng 4.000 m2, một gian hàng riêng trưng bày hàng Nhật đã được thiết kế. Hoặc tại hệ thống siêu thị Fivimart và Citimart, các sản phẩm hàng hóa Hàn Quốc cũng bắt đầu được đưa vào.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo của Công ty Hóa mỹ phẩm Hòa Hợp cho biết, trước đây DN có đưa hàng hệ thống siêu thị Metro. Tuy nhiên, sau đó siêu thị này đẩy mạnh đưa các nhãn hàng riêng vào hệ thống, với giá rẻ hơn giá bán của DN từ 5 – 15%, khiến cho hàng nội không thể cạnh tranh và phải tự rút khỏi hệ thống.

Khảo sát tại thị trường, hàng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang được đánh giá là “lên ngôi” khi có giá bán phù hợp, chất lượng cạnh tranh.

Do đó, những lo ngại về nguy cơ hàng ngoại nhập có thể tràn vào thị trường, đe dọa sản xuất trong nước là hoàn toàn có thể xảy ra, khi mà các dòng thuế cho hàng nhập khẩu sẽ giảm về 0% trong thời gian tới.

 

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên