Cứu nguy cho ngân sách: Cơ hội nào cho trái phiếu ngắn hạn?
Sau khi phát hành trái phiếu kỳ hạn dài không được như kỳ vọng, lần này Bộ Tài chính đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dưới 5 năm.
- 16-07-2015Nhà đầu tư “chê” trái phiếu kỳ hạn dài
- 18-06-2015Thị trường trái phiếu sôi động trở lại
- 09-06-2015Trái phiếu Chính phủ bị "ế": Bộ Tài chính sẽ tham vấn các nhà đầu tư
Nội dung nổi bật:
- Sau khi phát hành trái phiếu kỳ hạn dài không đạt được như kỳ vọng, Bộ Tài chính đề xuất phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn được xem là việc làm "cực chẳng đã".
- Theo nhìn nhận của các chuyên gia thì trái phiếu kỳ hạn ngắn đang có nhiều cơ hội hơn do hợp khẩu vị thị trường khi nhà đầu tư hạn chế được rủi ro.
- Tuy nhiên, để phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn thành công thì cần điều chỉnh tăng lãi suất để hấp dẫn các nhà đầu tư. Đồng thời, cần có kế hoạch trả nợ cho từng trái phiếu và nợ công của quốc gia.
Theo PGS. TS. Ngô Văn Hiền – Học viện Tài chính, lựa chọn phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn là việc làm “cực chẳng đã” của Bộ Tài chính. Cũng bởi, phát hành trái phiếu vẫn được xem là một trong những công cụ tài chính buộc phải làm để giải quyết những khó khăn của ngân sách hiện nay.
Thị trường hiện cũng đang khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà với trái phiếu dài hạn, do nguy cơ rủi ro cao hơn. Vì vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, nói với phóng viên rằng các nhà đầu tư ưu tiên hơn cho các loại trái phiếu có kỳ hạn ngắn.
Bởi nhìn từ góc độ quản lý tài chính, vị chuyên gia này cho rằng việc phát hành trái phiếu dài hạn có lợi ích hơn khi thời gian trả nợ giãn ra. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại “khẩu vị” thị trường không chấp nhận trái phiếu dài hạn vì độ rủi ro cao, nên trái phiếu ngắn hạn sẽ có cơ hội nhiều hơn.
Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia thì việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm không phải dễ dàng. Cũng bởi, mặc dù thanh khoản của các ngân hàng hiện tương đối dồi dào, tín dụng cho nền kinh tế cũng đang tăng trưởng khá tốt đạt 6,28% (trong khi 6 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 2,03%).
Do đó các ngân hàng – đối tượng chính tham gia vào thị trường trái phiếu hiện nay đang có xu hướng dịch chuyển sang cho vay thay vì tham gia mua trái phiếu.
Còn theo phân tích của TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, hiện các nhà đầu tư đang có tâm lý lo ngại bất ổn kinh tế vĩ mô có thể quay trở lại. Do đó, mức lãi suất trái phiếu hiện nay sẽ không đủ hấp dẫn, do nhà đầu tư "sợ" gặp rủi ro trước nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.
“Thị trường đang cảm thấy lạm phát sẽ quay trở lại trong tương lai, năm sau và năm sau nữa. Sự bất ổn vĩ mô có thể tái xuất hiện, nên thị trường họ không chấp nhận lãi suất như cũ cho tầm nhìn 2 đến 3 năm. Do đó, muốn huy động được trái phiếu kỳ hạn dài thì lãi suất phải rất cao mới đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư” -TS. Thành nhận định.
Cũng theo TS. Hiếu, nhà đầu tư đang kỳ vọng lãi suất ngân hàng sẽ tăng trong tương lai. Trong khi lãi suất của hầu hết các trái phiếu đều bị “khóa” cố định, nên các nhà đầu tư sẽ không muốn mua trái phiếu ngắn hạn với mức lãi suất thấp hơn kỳ vọng.
Nhìn ở góc độ khác, vị chuyên gia này cũng bày tỏ lo ngại, khi việc phát hành trái phiếu ngắn hạn sẽ càng tạo thêm áp lực cho ngân sách. Bởi số nợ phải trả trong thời gian ngắn sẽ tăng lên, đặc biệt khi sử dụng vốn cho đầu tư dài hạn, khả năng thu hồi vốn lâu, thì ngân sách sẽ càng khó khăn.
“Nếu không có kế hoạch trả nợ, không chỉ cho từng loại trái phiếu phát hành, mà cho toàn nợ công quốc gia, thì đây sẽ là áp lực rất lớn trong ngắn hạn với ngân sách”, TS. Hiếu lo ngại.