MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã đến lúc tăng đầu tư công?

Thông tin Chính phủ nới trần bội chi từ 4,8% như hiện nay lên 5,3% vào năm 2014 và tất cả sẽ được dùng cho đầu tư, đang gây sự chú ý đặc biệt.

Nhất trong bối cảnh bội chi ngân sách luôn kéo dài, quản lý đầu tư công thiếu đồng bộ,  trần nợ công cao.

Tái đầu tư công còn chậm

Theo khẳng định của cơ quan quản lý nhà nước, năm 2013, trong 100 đồng thu được thì chi cho đầu tư chỉ được 19 đồng, trong khi con số này của các năm trước lên đến 30 – 40 đồng. Do không có vốn từ ngân sách, nhiều công trình xây dựng cơ bản đã không được hoàn thành.

 Hơn nữa để đảm bảo mức tăng trưởng GDP năm 2014 đạt trên 5% thì phải có tối thiểu 255.000 tỉ vốn đầu tư. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, khi Chính phủ cân đối thu chi thì buộc phải đề nghị tăng bội chi (lên 5,3%) và sẽ dành toàn bộ 5,3% bội chi này để đầu tư.

Và như vậy, dường như, quan điểm, nới rộng đầu tư công đang quay trở lại sau quãng thời gian dài thắt chặt

Về nguyên tắc quản lý đầu tư công cần dựa trên căn cứ là cơ sở chiến lược kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước và địa phương, có thể dài hạn hoặc trung hạn. Và đầu tư vào cơ sở hạ tầng (giao thông, viễn thông và năng lượng) được coi là điều kiện quan trọng để Việt Nam có thể phát triển được nền kinh tế có giá trị gia tăng cao.

Thời gian qua, Nhà nước đã tập trung đầu tư vào hệ thống đường quốc lộ trục Bắc, Nam; củng cố đường giao thông nội thị, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Nhiều công trình trọng điểm đã và đang được khởi công nhằm cải thiện giao thông ở các đầu mối, các trục chính ở các vùng kinh tế trọng điểm.

Tuy nhiên, chi phí đầu tư hạ tầng cao, tác động của đầu tư hạ tầng với việc nâng cao năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Việc rà soát danh mục các dự án đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) và bố trí phân bổ vốn đầu tư theo các ưu tiên vẫn chưa được quan tâm, chú trọng.

TS Vũ Như Thăng, Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách Bộ Tài chính chỉ ra nguyên nhân, do trước đây nhiều dự án được phê duyệt vượt quá khả năng cân đối vốn, nên hiện nay vẫn chưa xử lý xong, đặc biệt là khu vực địa phương quản lý.

Việc giảm mạnh tỷ lệ đầu tư nhà nước trong bối cảnh tăng trưởng vẫn dựa vào yếu tố vốn là chủ yếu đã tác động làm cho tăng trưởng kinh tế giảm sút, tác động tới sức khỏe của DN khi tổng cầu suy yếu. Điều này đã khiến cho số bội chi NSNN 9 tháng đầu năm 2013 tăng cao so với cùng kỳ các năm trước đó.

TS Thăng cũng khẳng định thêm, sự gia tăng của nợ Chính phủ và nợ công trong điều kiện bội chi ngân sách kéo dài dễ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn đối với nền kinh tế. Đồng thời khi dư nợ công cao sẽ gây khó khăn cho công tác huy động vốn của Chính phủ, chi phí huy động sẽ cao hơn, mức độ tín nhiệm sẽ giảm đi.

Quy mô chi NSNN tại Việt Nam lớn hơn nhiều nước khu vực

Báo cáo kiểm toán năm 2012 về kết quả Kiểm toán nhà nước niên độ ngân sách năm 2011 cho thấy: đối với việc sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức, KTNN đã xác định sử dụng sai nguồn kinh phí hơn 1.840 tỷ đồng; chi hỗ trợ không đúng chế độ, nhiệm vụ chi 41,6 tỷ đồng; chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức 196 tỷ đồng; sử dụng nguồn dự phòng ngân sách sai mục đích 238,6 tỷ đồng; cho vay sai quy định 33 tỷ đồng...trong khi hằng năm NSNN vẫn phải đi vay và trả lãi.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Sỹ Cường nêu quan điểm, quy mô chi tiêu công trong các nước đang phát triển vượt quá 30% GDP thì tác động của nó với phát triển kinh tế và hiệu quả cung cấp hàng hóa công giảm đi rõ rệt và ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. So sánh quốc tế cho thấy Việt Nam đang chi tiêu từ NSNN cao hơn trung bình các nước đang phát triển có cùng trình độ.

Quy mô chi NSNN của Việt Nam thậm chí còn cao hơn rất nhiều các nước có thu nhập cao như Singapore (khoảng 17,8 % GDP) hay Hàn quốc (21,5%).

Theo thống kê, hiện nay khoản chi lớn nhất trong tổng chi NSNN chính là chi thường xuyên, chi cho bộ máy nhà nước. Những năm từ 2001 - 2012, với mức tăng lên không ngừng của GDP, thu nhập của dân cư cũng tăng theo và do vậy khu vực hành chính sự nghiệp liên tục mở rộng phạm vi hoạt động nên việc chi tiêu tỷ lệ thuận.

Tỷ trọng chi thường xuyên đã tăng hơn 10 điểm % trong giai đoạn 2005- 2012. Sự gia tăng tỷ trọng chi thường xuyên cũng có nghĩa là khó giảm thâm hụt ngân sách giai đoạn tới hơn vì chi thường xuyên khó cắt giảm hơn chi cho đầu tư phát triển.

Từ đây cũng có thể ngầm hiểu chi cho đầu tư phát triển từ NSNN đang giảm. Tốc độ tăng chi tiêu cho đầu tư phát triển dù vẫn đạt 17-18 % mỗi năm song thấp hơn nhiều tốc độ tăng cho chi thường xuyên (đạt trung bình 25 % giai đoạn 2008-2012). Do đó, việc nới trần chi cho đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng, được coi là cần thiết.

Theo Hồ Hương

cucpth

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên