MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Đầu tư công như con bệnh nhờn thuốc"

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM cho rằng, đầu tư công như người rất nhiều bệnh và có những loại bệnh lây sang người khác. Có người lại đang sử chính các con bệnh này như công cụ để trục lợi

Tại hội thảo về tái cơ cấu đầu tư công do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 24/11, các chuyên gia đều nhận định, trong thời gian qua tái cơ cấu đầu tư công của nước ta còn chậm chuyển biến, hiệu quả đầu tư công vẫn rất thấp.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Tú Anh - Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, nếu căn cứ vào hệ số ICOR, việc sử dụng nguồn lực của Việt Nam đang hiệu quả hơn. Từ năm 2012 trở lại đây, hệ số ICOR cả nước hàng quý đã giảm dần. Quý IV/2014 chỉ khoảng 4,5 so với mức cao nhất của quý IV/2011 là xấp xỉ 12.

Mặc dù chỉ số ICOR cho khu vực kinh tế nhà nước có cải thiện cho đến năm 2012, nhưng 2 năm gần đây chỉ số này lại có xu hướng tăng lên. Tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm xuống dưới 40% từ năm 2007 đến 2012, song lại quay về mức trên dưới 40% năm 2013-2014.

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, đầu tư khu vực nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhưng mức độ đóng góp vào GDP lại không cao. Chẳng hạn, năm 2009, tỷ trọng đầu tư công chiếm 40,5% tổng đầu tư toàn xã hội, nhưng mức độ đóng góp của khu vực này vào GDP chỉ có 35,13%. Trong khi đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước, dù tỷ trọng vốn đầu tư chỉ chiếm 33,9% nhưng lại đóng góp tới 46,53% vào tổng giá trị GDP.

Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận xét, đặc điểm nổi bật cơ cấu đầu tư công theo ngành giai đoạn 2000-2013 là tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng công trong khi vẫn duy trì tỷ lệ đầu tư cao vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trực tiếp và xuất hiện xu thế phân tán đầu tư công sang nhiều lĩnh vực khác.

Chuyển dịch cơ cấu đầu tư công không rõ ràng và không phản ánh sự thay đổi nào thật sự về vai trò của nhà nước nói chung và đầu tư công nói riêng trong phát triển và thực hiện chủ trương phát triển kinh tế xã hội cũng như góp phần thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên chiến lược như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chiến lược phát triển con người và tháo gỡ nút thắt về cơ sở hạ tầng cũng như thể chế.

Trong khi đó, TS Lưu Bích Hồ - Nguyên viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, cho rằng cần chuyển giao dần việc đầu tư cho khu vực tư nhân vì Nhà nước không làm hết được.

“Gánh nặng thuế phí đè hết lên người dân nếu chỉ đầu tư công. Nhưng cái khó là khu vực tư nhân của chúng ta hiện nay chủ yếu doanh nghiệp bất động sản, còn doanh nghiệp sản xuất ít lắm” - TS Hồ băn khoăn.

Cùng chung quan điểm với các chuyên gia trên, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM cho rằng, đầu tư công kém hiệu quả vừa dẫn đến các bất ổn vĩ mô, vừa làm giảm năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế trong ngắn và dài hạn.

"Đầu tư công như người rất nhiều bệnh và có những loại bệnh lây sang người khác. Có người lại đang sử chính các con bệnh này như công cụ để trục lợi” – ông Cung ví von.

Do vậy, Viện trưởng CIEM cho rằng, nhu cầu tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư khu vực nhà nước cần phải được ưu tiên hàng đầu trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế .

Trong khi đó, TS Đặng Đức Đạm - Nguyên phó trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng chúng ta chỉ mới thấy triệu chứng của con bệnh đầu tư công và điều trị bằng thuốc giảm sốt với kháng sinh, chưa xác định được nguyên nhân con bệnh, chưa chữa được bằng thuốc đặc hiệu nên nhiều con bệnh có triệu chứng lờn thuốc.

Theo ông Đạm, Luật đầu tư công là luật về thủ tục, không phải về nội dung nên không phải là phương thuốc hữu hiệu chữa bệnh đầu tư dàn trải, lãng phí.

“Không những không có động lực cải cách mà động lực để không cải cách cũng ngày càng lớn, ai cũng muốn níu kéo hiện tại để không mất quyền lợi” - ông Đạm lo ngại.

Thảo Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên