MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Đỗ Văn Đương: Còn nhiều ẩn dấu tham nhũng trong việc thất thu thuế

Không chỉ nhìn vào vụ án mà phải nhìn vào tổng thể xử lý hành chính, những vấn đề liên quan đến thuế, ẩn dấu đằng sau đó là tham nhũng, lãng phí...

Tình trạng nợ đọng thuế của các doanh nghiệp theo phản ánh là 86.000 tỷ đồng, trong đó riêng những doanh nghiệp có khả năng nộp thuế nhưng cố tình chây ì lên tới trên 34.000 tỷ đồng.

Bức xúc trước tình trạng nợ đọng thuế của DN làm thất thu nguồn ngân sách, trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng ẩn sau những vấn đề liên quan đến thuế là tham nhũng lãng phí nên cần phải có biện pháp kiểm soát và xử lý chặt chẽ.

Nhìn từ thực trạng thu hồi tài sản nhà nước, thu thuế hiện nay ông đánh giá thế nào về hoạt động chống tham nhũng?

Nhìn từ thực tế kiến nghị thu hồi tài sản nhà nước, lên đến trên 50.000 tỷ, chứng tỏ tài sản công, tiền bạc của Nhà nước còn thất thoát rất nhiều.

Thứ hai là tình trạng nợ đọng thuế của các DN, theo báo chí phản ánh là trên 86.000 tỷ, riêng những DN có khả năng nộp thuế nhưng cố ý chây ì là trên 34.000 tỷ đồng, nên nếu có biện pháp mạnh mẽ để thu hồi thì đây sẽ là nguồn thu ngân sách lớn.

Mấy năm nay mình chưa siết chặt việc chậm nộp thuế này. Tôi cho rằng việc này cũng có tham nhũng. Không chỉ nhìn vào vụ án mà phải nhìn vào tổng thể xử lý hành chính, những vấn đề liên quan đến thuế, ẩn dấu đằng sau đó là tham nhũng, lãng phí. Nhất là quản lý tài nguyên, than, sắt, vàng bạc, đất đai, rừng… tất cả phải quản lý chặt chẽ thì mới lành mạnh được môi trường đầu tư kinh doanh trong việc sử dụng vốn nhà nước.

Vậy ông đánh giá thế nào khi tỷ lệ tham nhũng phát hiện qua thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo tăng rất nhiều?

Về tình hình tham nhũng nói chung còn diễn biễn tương đối nghiêm trọng, phức tạp. Nhưng đi vào thực tế số vụ phát hiện và xử lý, điều tra có xu hướng giảm. Số vụ phát hiện ra không đồng nghĩa với tình hình tội phạm tham nhũng thực tế. Vấn đề là phải nâng cao hiệu quả công tác phát hiện tham nhũng và ngăn chặn hoạt động này.

Cơ sở pháp lý hiện nay đã có, quan trọng là đi vào thực tế, việc tổ chức thực hiện như thế nào. Cần biết cách chống tham nhũng và cơ quan chống tham nhũng hoạt động độc lập. Có nghĩa là phải tăng thẩm quyền cơ quan chống tham nhũng lên, tôi đã nhiều lần kiến nghị rằng cơ quan điều tra chống tham nhũng phải độc lập, tách biệt với cơ quan điều tra các cấp.

Ông đánh giá thế nào về con số 1,2 triệu người kê khai tài sản năm 2014 nhưng chỉ có 1.225 trường hợp kê khai, chỉ phát hiện được 5 trường hợp và xử lý có 2 trường hợp?

Kiểm soát kê khai tài sản cũng quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn là kiểm soát thu nhập. Tôi cho rằng với những công chức bình thường kê khai chỉ là hình thức. Nếu cán bộ công chức thu nhập hoàn toàn bằng tiền lương thì việc kê khai là không cần thiết, không quan trọng. Còn những quan chức có vị trí cao, đảm nhiệm các nhiệm vụ như cấp phép các dự án, phân bổ gì đó… thì nên kiểm soát chặt chẽ kê khai.

Trong quy định hiện nay không loại trừ ai, vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào, phát hiện ra làm sao, ai làm, làm đến đâu và có cho làm hay không? Tôi nghĩ hoạt động này phải đổi mới, kiểm soát chặt chẽ hơn và đi vào thực tiễn.

Xin cảm ơn ông!

An Ngọc (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên