MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội: Ngăn chặn tình trạng bắt tay bác sỹ “thổi” giá thuốc

Trước thực trạng có tới hơn 2000 nhà phân phối, với nhiều tầng nấc trung gian, đường đi lòng vòng, chất lượng thuốc khó kiểm soát nhưng giá lại bị thổi lên cao, nên nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quy định Luật Dược (sửa đổi) cần ngăn chặn tình trạng này.

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng trong định hướng chính sách phát triển công nghiệp dược, cần bổ sung thêm chính sách ưu tiên sử dụng thuốc và dược phẩm sản xuất trong nước, tạo động lực cho sản xuất trong nước.

Những chính sách thúc đẩy ngành dược trong nước sẽ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Theo đó, cần chú trọng tăng ngân sách nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thuốc mới, đào tạo chuyên gia giỏi ở nước ngoài, xây dựng xí nghiệp hiện đại…

Liên quan đến việc quản lý giá thuốc, đại biểu Minh cho rằng quy định hiện nay yêu cầu việc kê khai giá thuốc không cao hơn các nước trong khu vực có điều kiện kinh tế thương mại như Việt Nam. Song đến nay vẫn chưa công bố cụ thể danh sách các nước có điều kiện như Việt Nam. Do đó, cần phải thể hiện rõ vai trò của Nhà nước về giá thuốc, đảm bảo biện pháp khả thi biện pháp bình ổn giá thuốc.

Đồng thời, bổ sung tiêu chí cụ thể tác động đến biến động giá thuốc, làm cơ sở Nhà nước can thiệp khi giá thuốc có biến động; khắp phục bất cập hiện hành. Khắc phục việc in giá thuốc trên bao bì, khi nhập và sản xuất kê đơn thuốc phải rõ ràng; Bổ sung quy định về việc Nhà nước về quản lý đầu vào các loại thuốc và thông báo rộng rãi và công khai niêm yết giá, làm rõ trách nhiệm cơ quan nhà nước, không để thị trường tăng giá quá cao

Đồng tình quan điểm trên, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cũng cho rằng đề ngành công nghiệp dược trở thành công nghiệp mũi nhọn theo dự thảo Luật, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, cần ban hành hàng rào kỹ thuật cho hàng nhập khẩu, tạo môi trường công bằng lành mạnh cho ngành dược và các doanh nghiệp trong nước, tạo thuận lợi cho ngành trước khi hội nhập vào TPP.

Đồng thời, Luật cần có chương triêng điều chỉnh mạng lưới phân phối. Bởi hiện nay có tới hơn 2000 nhà phân phối, được xem là nguyên nhân làm tăng giá thuốc. Đặc biệt, tình trạng DN tự kê khai giá theo quy định hiện nay chưa phải là giải pháp hiệu quả theo đánh giá của bà Lan.

Do đó, vị đại biểu này cho rằng cần khắc phục ba nguyên nhân là độc quyền và câu kết nâng giá; tình trạng mua bán long vòng qua các khâu trung gian làm đẩy giá; mua chuộc bác sĩ bắt tay ăn hoa hồng.

“Cần hạn chế các trung gian, khi có tới hơn 2000 nhà phân phối, và có chế tài nghiêm khi phát hiện hành vi bắt tay chuộc lợi. Bệnh viện không nên đấu thầu mà tăng tự chủ mua thuốc và tăng kiểm soát kê đơn”, đại biểu Lan đề nghị.

Trong khi đó, Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) thì nhấn mạnh đến vấn đề kiểm nghiệm thuốc trước khi lưu hành. Dẫn chứng, tính từ đầu tháng 9 tới nay, cơ quan chức năng Bộ Y tế đã rút xuống đăng ký của 90 loại thuốc do thuốc không được đảm bảo và không đúng như đăng ký.

Đặc biệt, tình trạng thuốc kém chất lượng bị phát hiện ngày càng nhiều. Theo đại biểu Anh, Việt Nam nằm trong danh sách nước có tình trạng kháng kháng sinh cao nhất thế giới, một lý do chủ yếu là còn phụ thuộc vào chất lượng thuốc.

“HIện kiểm nghiệm chỉ áp dụng với một số loại thuốc nên đây là vấn đề không ổn. Luật quy định đơn giản chỉ tạo kẽ hở cho công ty dược lách luật và sử dụng thuốc không đảm bảo chất lượng, nên cần quy định cụ thể, thực hiện kiểm nghiệm trên từng lô thuốc, khi đảm bảo chất lượng mới cho lưu hành. Nếu phương tiện kỹ thuật chưa đáp ứng cần đầu tư nâng cấp, tập trung các đầu tư kiểm nghiệm cho các đơn vị kiểm nghiệm ở thành phố lớn và trung tâm” – đại biểu Anh đề nghị.

Liên quan đến thuốc đông y, dược cổ truyền, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Bình Định) thì cho rằng chính sách với lĩnh vực dược cần chú trọng phát triển nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam, ưu tiên nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc và dược liệu, thuốc cổ truyền. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) thì cho rằng y học dân tộc, thuốc đông y cần có luật riêng bởi đây là vấn đề lớn.

Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm hai nội dung về thực phẩm chức năng và mỹ phẩm để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn. Dẫn chứng, hiện nay mỹ phẩm chỉ giống như hàng hóa thông thường, được quản lý bằng thông tư, trong khi nhiều chuyên gia nói đây là lĩnh vực khó nhất nhưng quản lý lỏng lẻo nhất.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên