Đàm phán TPP: Bất đồng thời gian bảo hộ dược phẩm
Trong khi Mỹ yêu cầu kéo dài thời gian bảo hộ cho các sản phẩm thuốc sinh học trong 9 năm thì Australia vẫn giữ nguyên quan điểm thời gian bảo hộ là 5 năm theo quy định của nước này.
- 12-08-2015Nhật Bản lo ngại đàm phán về TPP bị sa lầy
- 10-08-2015Đàm phán TPP, Việt Nam đối mặt sức ép bỏ thuế nhập xe Nhật
- 09-08-2015Chưa “chốt” ngày nối lại đàm phán, TPP có “trễ hẹn”?
Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia (Kiêm nhiệm Va-nu-a-tu, Quần đảo Mác-san, Mi-crô-nê-xi-a, Quần đảo Xô-lô-mông), những bất đồng liên quan đến vấn đề bảo vệ dữ liệu dùng để phát triển thuốc sinh học, xuất xứ ô tô xuất khẩu của Nhật Bản và sản phẩm sữa là nút thắt khiến cho vòng đàm phán TPP tại Hawaii không thể hoàn tất.
Bộ trưởng Thương mại Australia, ông Andrew Robb cho biết đã chịu áp lực lớn do Hoa Kỳ đặt ra yêu cầu với thuốc chữa bệnh sản xuất bằng công nghệ sinh học. Đây được xem là một “vạch đỏ” trong đàm phán với Chính phủ nước này.
Về vấn đề thuốc sinh học, điểm bất đồng chính là độ dài thời gian bảo hộ dữ liệu dùng để phát triển thuốc sinh học, mà thực chất là một dạng bảo hộ độc quyền bằng phát minh, sáng chế.
Các hãng dược phẩm hàng đầu tại Hoa Kỳ đã vận động hành lang để đảm bảo thời gian bảo hộ là 12 năm. Song do các nước khác phản đối nên Hoa Kỳ đã rút thời gian bảo hộ xuống còn 8 năm.
Theo quan điểm của hầu hết các nước tham gia TPP thì khoảng thời gian này vẫn là quá dài. Được biết đã có phương án thỏa hiệp theo hướng quy định thời gian bảo hộ là 5 năm nhưng có thể kéo dài thêm 3 năm trong những trường hợp nhất định. Tuy nhiên, kết thúc phiên đàm phán vẫn chưa tháo gỡ được bế tắc này.
Trong khi đó, Australia vẫn giữ quan điểm thời gian bảo hộ không vượt quá là 5 năm. Theo Bộ trưởng Thương mại nước này, không có lý do gì để kéo dài thời gian bảo hộ, trong khi việc kéo dài quá 5 năm sẽ làm cho chi phí chữa bệnh tăng lên. Như vậy, Australia có thể phải tiêu tốn hàng triệu USD cho vấn đề này.
Tuy nhiên, Australia cũng đã gây áp lực để đạt được thỏa thuận tốt hơn cho tiếp cận mặt hàng đường (gồm đường trắng, đường thô và đường nâu) vào thị trường Hoa Kỳ.
Bất đồng giữa Mê-hi-cô, Hoa Kỳ và Nhật Bản về ô tô và giữa Canada, Hoa Kỳ và Nhật Bản về xuất khẩu sữa cũng cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình đàm phán.
Mặc dù vậy, Ông Robb cho rằng kết quả đạt được là rất đáng kể và tin tưởng rằng không có bất đồng nào là không thể vượt qua. Hiện đã có hơn 90% các vấn đề đã được giải quyết.