MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đăng ký FDI đầu năm 2013 tăng: Có gì vui?

Với nhiều con số được báo cáo là tăng so với cùng kỳ, hoạt động thu hút vốn FDI được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc và góp sức cải thiện “một năm kinh tế buồn” của Việt Nam.

Theo báo cáo đăng trên chinhphu.vn, trong tháng 1/2013, các nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” trên 280 triệu USD vào 8 ngành, lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút nhất với 21 dự án đầu tư mới, tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 202,9 triệu USD, chiếm 72,1% tổng vốn đăng ký trong tháng 1. 

Tuy nhiên, điều này vẫn không thể giúp chỉ số sản xuất của ngành thêm phần sáng sủa khi giảm 3%, góp phần kéo chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm 3,2% (Tổng cục Thống kê). Cũng như vậy, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/1/2013 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 50 triệu USD, chiếm gần 17,8% tổng vốn đầu tư. Dẫu vậy, trong bối cảnh thị trường đang “tồn kho” nợ xấu nghiêm trọng, nhà cửa chưa biết ai và khi nào sẽ đến “rước” đi giùm thì đầu tư càng tăng càng… chẳng vui. Nhất là những vốn đầu tư này hoàn toàn chẳng can hệ gì đến cái Chiến lược nhà ở mà Bộ Xây dựng đã trình lên Chính phủ chuẩn bị đi vào hoạt động. 

Theo báo cáo, hầu hết FDI đổ dồn vào phân khúc cao cấp như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, văn phòng, căn hộ cao cấp... vốn là thế mạnh của các nhà đầu tư ngoại nhưng rõ ràng không phải mối ưu tiên của người mua Việt Nam hiện nay. Trên thực tế, đã không ít dự án có quy mô sử dụng đất lớn trên 100ha và vốn đăng ký trên 1 tỷ USD được cấp phép từ những năm 2008 - 2009, nhưng đến nay vẫn chẳng động đậy gì. Chuyện sau đó đương nhiên là những dự án này đều bị khai tử và bị thu hồi giấy phép đầu tư.
 
Trong số 17 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong tháng 1/2013, Nhật Bản vẫn là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 157,7 triệu USD, chiếm 56,1%; Thái Lan đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 54,2 triệu USD, chiếm 19,3% và Pháp đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 20 triệu USD, chiếm 7,1% tổng vốn đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1.
 
Tất nhiên, đây cũng mới chỉ là những con số đăng ký, chưa rõ sẽ giải ngân được đến đâu, và liệu có nhà đầu tư nào ngán ngẩm mà đình hoãn như Tập đoàn sản xuất thép Nhật Bản JFE Holdings Inc. hồi tháng 12/2012 cho biết sẽ lùi quyết định đầu tư 3,6 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất thép với lý do đánh giá những rủi ro liên quan tới vấn đề cạnh tranh hay không. 

Không giống như nhiều doanh nghiệp Việt Nam có bệ đỡ đứng sau bất kể thua lỗ ra sao, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải tính đến cái được - cái mất, nên công tác ra quyết định phải được tiến hành hết sức thận trọng. Thị trường Việt Nam lúc tăng trưởng kinh tế 5% rõ ràng không thể tiêu thụ một lượng thép như khi phát triển 8%/năm (khoảng 6 triệu tấn thép/năm) được. Chưa xét đến những lời hứa cải thiện về môi trường đầu tư trên thực tế còn đang được triển khai rất lề mề.
 
Cố nhiên, việc Nhật Bản ngao ngán Trung Quốc do những căng thẳng ở Senkaku sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội, nhưng đây vẫn là câu chuyện kinh doanh, nếu thị trường Việt Nam không thể mang lại nguồn lợi lớn hay môi trường đầu tư bất ổn thì vẫn còn nhiều quốc gia khác đang rộng cửa chờ với nhiều ưu đãi không hề kém cạnh.

Theo Sống mới

thunm

Từ Khóa:
fdi

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên