MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đang là thời điểm tốt cho nhà đầu tư ngoại mặc cả với Chính phủ Việt Nam

“Nếu nhà đầu tư đang nghiên cứu doanh nghiệp nào đó mà cần làm nhà đầu tư chiến lược thì sẽ cùng doanh nghiệp làm đơn, Chính phủ có thể sẽ xem xét cho phép mua bằng mệnh giá. Đây là một cơ chế rất ưu đãi”

Cổ phần hóa, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước có lẽ là chủ đề được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý nhất tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2015.

Chính phủ đang tạo điều kiện hết cỡ

Ở góc độ doanh nghiệp đã và đang tham vào việc mua cổ phần các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian qua, ông Phạm Quang Dũng – Phó chủ tịch Tổng CTCP Thăng Long cho rằng, đây thời điểm thuận lợi nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài, vì thị trường chứng khoán đang trong tình trạng èo uột, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước lại đang trong giai đoạn nước rút. Chính phủ sẽ mở rộng cửa, để thu hút vốn hơn đối với cổ phần hóa.

“Nếu nhà đầu tư đang nghiên cứu doanh nghiệp nào đó mà cần làm nhà đầu tư chiến lược thì sẽ cùng doanh nghiệp làm đơn, Chính phủ có thể sẽ xem xét cho phép mua bằng mệnh giá. Đây là một cơ chế rất ưu đãi” – Ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng lấy ví dụ cụ thể ở CTCP Thăng Long – nơi mà ông đã thực hiện mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược trong thời gian gần đây.

“Tôi đã mặc cả với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phải giao tôi làm Chủ tịch thì tôi mới thực hiện quyền mua, còn nếu không thì tôi không mua. Bộ trưởng sau đó ra quyết định nếu nhà đầu tư này mua thì cử họ làm Chủ tịch. Sau khi chính thức có văn bản thì chúng tôi mới mua. Điều này cho thấy nhà nước mở cửa hết cỡ” – Ông Dũng nói.

Ông Phạm Viết Muôn - Phó trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp thì cho biết, thời gian tới số lượng các DNNN cần phải cổ phần hóa còn khá nhiều và hầu hết đều là các doanh nghiệp lớn, có sức ảnh hưởng mạnh đến thị trường…

“Sắp tới Chính phủ đẩy ra thị trường khoảng 200.000 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD). Chính vì thế chúng tôi rất thiết tha muốn nhà đầu tư chiến lược mua mạnh hơn nữa. Bởi lẽ hiện nay vẫn còn vắng bóng các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia vào quá trình cổ phần hóa các DNNN ở Việt Nam” – Ông Muôn nhấn mạnh.

“Miếng ngon” tại sao nhà nước chỉ bán nhỏ giọt?

Trước câu hỏi, nhiều doanh nghiệp ‘tiếng” là bán cổ phần nhưng tại sao chỉ bán 3 – 5% cổ phần ra ngoài công chúng?

Ông Muôn cũng muốn đặt câu hỏi này ở chiều ngược lại với các nhà đầu tư: Tại sao các vị mua ít thế?

Và ông cho rằng, đây là 2 mặt của 1 vấn đề. Chúng tôi muốn đẩy nhanh nhưng các bạn không tham gia.

“Hiện nay, các doanh nghiệp sắp cổ phần hóa hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có sự ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế nên Chính phủ cần có một bước đi vững chắc và thật sự hiệu quả khi cổ phần hóa”.

Ông Muôn lấy ví dụ trường hợp cụ thể ở ngân hàng BIDV, khi phê duyệt nhà nước đã quyết định chỉ nắm 65% và sẽ bán 35% ra công chúng. Tuy nhiên, lúc đầu bán 4,7%, số còn lại chờ cổ đông chiến lược.

“Tôi trân trọng nhà đầu tư chiến lược ở chỗ nghiên cứ rất kỹ. BIDV 5 năm nay tìm nhà đầu tư chiến lược nhưng chưa tìm xong. Do đó, việc bán không phải nguyên nhà nước quyết được mà nó còn phụ thuộc vào các nhà đầu tư chiến lược – tức người mua. Họ phải tính toán cân nhắc trên nhiều phương diện trong đó có yếu tố giá”.

Ông Muôn cũng kiến nghị rằng, nên chăng Bộ Tài chính nghiên cứu phương án khi niêm yết trên sàn chứng khoán doanh nghiệp được phép niêm yết cả phần cổ phần đang “nằm chờ” nhà đầu tư như của trường hợp BIDV. Tức là niêm yết hết 35% cổ phần”.

Tuy nhiên, ông Muôn cũng nhấn mạnh những doanh nghiệp phê duyệt cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ 75% trở lên chỉ thu hút nhà đầu tư lặt vặt sẽ không tạp ra phấn kích cho nhà đầu tư chiến lược.

Ông Đặng Quyết Tiến – Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) trên tinh thần cởi mở và chào đón các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình cổ phần hóa các DNNN ở Việt Nam, ông nói: Khi đầu tư vào các DNNN ở Việt Nam các nhà đầu tư phải xác định rõ là mình cần đạt được những gì. Còn Chính phủ Việt Nam cũng luôn trăn trở làm sao để họ có thể đạt được hiệu quả cao nhất.

“Chúng tôi lắng nghe các ý kiến phản hồi, vướng mắc của các bạn. Việt Nam xác định các nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp cho DNNN thực hiện tốt hơn việc quản trị, tiếp cận nguồn vốn và công nghệ. Do đó, trong quá trình chơi nếu thấy vướng mắc gì thì cả 2 bên có thể ngồi lại với nhau sửa lại, để 2 bên cùng có tiếng nói chung” – Ông Tiến nói.

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên