Dấu hiệu phục hồi mới chỉ mong manh như mầm xanh nhú trên đống gạch khô cằn
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành – giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong dài hạn, nền kinh tế vẫn đang ở chu kỳ đi xuống. Chu kỳ này đã kéo dài từ năm 2005 và chưa kết thúc.
Cuối năm 2013, đầu năm 2014, nhiều chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước lên tiếng đánh giá khá lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, không phải chỉ năm 2014 mà là trong dài hạn. Và nương theo đó, thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng mạnh bất ngờ.
Trong khi đó, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành – giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) lại có một cái nhìn hơi khác. Ông cho rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn, thậm chí dấu hiệu này mới chỉ rất mong manh như một mầm xanh nhú trên đống gạch khô cằn! Chưa biết mầm xanh này có tồn tại và phát triển được lâu hay không, song thị trường chứng khoán rất thông minh khi nhận ra dấu hiệu này từ sớm.
Nhưng theo Tiến sỹ Thành, trong dài hạn, nền kinh tế vẫn đang ở chu kỳ đi xuống. Chu kỳ này đã kéo dài từ năm 2005 đến nay, và chưa kết thúc.
Thưa ông, ông có cho rằng chúng ta đang mất đi lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực trong việc phục hồi kinh tế?
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành: Thực ra thì những cơ hội đó chúng ta đã mất rồi. Mất so với các nước khác trong vòng 2 năm nay rồi. Bởi vì sau khủng hoảng, các nước cải cách rất mãnh liệt. Các nước thị trường mới nổi như Indonesia, Thái Lan, Singapore đã có những hành động tích cực ngay sau đó nên dù họ bị khủng hoảng mạnh hơn nhưng đã phục hồi nhanh hơn chúng ta. Việt Nam bị tụt hậu và lùi lại phía sau tương đối lâu và những biện pháp cho việc phục hồi mong manh như tôi phân tích lúc nãy, đáng lẽ phải được thực hiện cách đây 2 năm rồi.
Việt Nam đang cương quyết hơn trong những cải cách mang tính chất cốt lõi, nền tảng, và động chạm đến cả những cấu trúc của nền kinh tế vì điều này liên quan đến những chu kỳ kinh tế mang tính dài hơi. Chúng ta đang ở chu kỳ đi xuống từ năm 2005 đến nay chưa có dấu hiệu đi lên. Chu kỳ dài này chỉ có thể thay đổi nếu chúng ta cải cách thực sự, không được buông lơi cải cách đó và phải nhanh. Những năm qua chúng ta đi hơi chậm.
Tôi nhấn mạnh là kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng là phục hồi trong ngắn hạn. Một chu kỳ ngắn hạn bám theo chu kỳ dài hạn này. Như vậy chúng ta phải có chính sách không theo đuổi kích thích như hiện nay nữa. Tức là các chính sách bơm hàng trăm nghìn tỷ vào thị trường bất động sản tạo nên cái kỳ vọng không phù hợp với người dân. Nên hướng dòng vốn đó vào khu vực sản xuất thay vì thị trường tài sản như chứng khoán và bất động sản. Có như vậy chúng ta mới lấy được cơ hội phục hồi thực sự cho doanh nghiệp và làm xương sống cho nền kinh tế nước ta.
Có chuyên gia nhận xét, luồng vốn đầu tư đã rút dần khỏi các nước đang phát triển. Việc này ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam, thưa ông?
Việc dòng vốn rút khỏi các nước đang phát triển là do chính sách ở các nước lớn. Ở Việt Nam, luồng vốn gián tiếp chưa nhiều. Môi trường kinh doanh của Việt Nam rất tồi nên dòng vốn không chảy vào nhiều. Bây giờ nếu điều chỉnh thì nó cũng sẽ không có các đợt thoái vốn mạnh mẽ, tức là có thể có thoái vốn nhưng không mạnh.
Hiện nay vốn đang hướng vào thị trường tài sản là thị trường chứng khoán. Về lâu dài Việt Nam sẽ mất đi cơ hội về việc dòng vốn đã từng chảy vào, vốn sẽ không nhiều nữa, mà vào cũng sẽ rất chọn lọc. Đối với Việt Nam, như vậy là đã không đón nhận được cơ hội khi các nước họ nới lỏng tiền tệ. Đó là bất lợi của chúng ta.
Đầu năm nay, câu chuyện về cổ phần hóa doanh nghiệp đã được nhấn mạnh là trọng tâm cải cách kinh tế năm 2014. Ông dự báo thế nào về hoạt động này trong năm nay?
Thông điệp đầu năm của Thủ tướng đưa ra rất mạnh mẽ tạo ra một khí thế phấn khởi cho những người trong cuộc. Tôi cho rằng, chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là cực kỳ chính xác nhưng cách thực hiện thì rất khó. Bởi vì bây giờ giá chứng khoán rất thấp, nhóm lợi ích đứng đằng sau những doanh nghiệp nhà nước đó sẽ có phản ứng mang tính chất là giữ lại trước khi bán với giá không cao. Sự chống đối đến từ từng doanh nghiệp một.
Vì thế Chính phủ phải rất quyết liệt mạnh mẽ. Chúng tôi cũng e ngại là trong 2 năm, không biết Chính phủ có thể làm được việc đó hay không. Dư luận đồng tình cũng là một điều hỗ trợ Chính phủ thực hiện điều này.
Ông đánh giá thế nào về lãi suất của Việt Nam hiện nay?
Lãi suất đang hạ dần về khoảng những năm 2003. Tôi cho rằng chúng ta không nên tiếp tục hạ lãi suất. Mục đích của nó là đón dòng vốn vào khu vực sản xuất nhưng nó lại sẽ chạy rất nhanh sang khu vực tài sản, mà thực tế là đã chảy sang thị trường chứng khoán rồi. Thị trường bất động sản chưa cơ cấu xong mà đã ấm trở lại thì sẽ xóa nhòa đi nhu cầu tái cơ cấu, tạo nên những tín hiệu sai.
Hải Minh (lược ghi)