Đầu tư BOT: Nếu Bộ GTVT không điều chỉnh thì có mời DN cũng lắc đầu
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đầu tư vào các dự án BOT là việc làm “cực chẳng đã”. Doanh nghiệp hết “cửa” đầu tư nên mới phải chọn đầu tư vào các dự án BOT giao thông.
- 09-09-2015Dự án BOT: Xác định thời gian thu phí theo giá trị quyết toán
- 10-08-2015Cần quản chặt dự án BOT
- 24-07-2015Cho vay BOT, BT giao thông: Ngân hàng “liệu cơm gắp mắm”
Theo tính toán của Bộ GTVT, trong vòng 5 năm tới tổng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam dự kiến sẽ là 1.009.398 tỷ đồng (khoảng 48 tỷ USD). Trong đó, vốn NSNN là 376 nghìn tỷ đồng (gồm Trái phiếu Chính phủ) chiếm 37,2%; Vốn ODA là 285 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,2%;Vốn huy động ngoài ngân sách là 348 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,4%.
Nhìn từ cơ cấu phân bổ nguồn vốn nói trên, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ông Trần Bắc Hà đánh giá: Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông ngày càng lớn, vượt xa khả năng đáp ứng từ ngân sách và nguồn vốn ODA.
Trong khi, đây được coi là lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
“Trong bối cảnh năng lực tài trợ từ nguồn vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách (ODA, Trái phiếu Chính phủ) bị thu hẹp, yêu cầu quản lý rủi ro nợ công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công tăng cao, đột phá về thể chế chính sách nhằm khuyến khích khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam một cách tích cực hơn được đặt ra” – ông Trần Bắc Hà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ đang là nhà đầu tư trực tiếp tham gia vào các dự án BOT vốn đang được chào mời hiện nay, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Tasco lại chia sẻ rằng: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đầu tư vào các dự án BOT là việc làm “cực chẳng đã”. Doanh nghiệp hết “cửa” đầu tư nên mới phải chọn đầu tư vào các dự án BOT giao thông. Hiện các doanh nghiệp đang bị "ép" tỷ suất lợi nhuận rất thấp, chỉ 11,5% trên vốn chủ sở hữu nhưng vẫn phải chấp nhận làm vì nếu không làm thì không có việc để làm.
"Tôi đã đầu tư tới 5 dự án BOT giao thông và cũng thấy ngạt thở về quá trình đầu tư của Bộ GTVT. Hàng loạt các khó khăn trong cơ chế tính giá vốn, giá phí và nhiều vấn đề khác nữa"- Ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, quy định tính lãi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư BOT hiện nay cũng không hợp lý. Doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào các dự án BOT từ giai đoạn thi công nhưng không được tính lợi nhuận trong suốt quá trình đầu tư, mà chỉ được tính ở những năm cuối của dự án. Ví dụ dự án còn thời hạn 20 năm thì từ năm thứ 17 trở đi doanh nghiệp mới được tính lãi, mặc dù nguồn vốn của doanh nghiệp là phải đi vay trả lãi, hoặc vốn cổ đông sẽ phải trả cổ tức.
Hay quy định của Bộ Tài chính tính lãi vay xây dựng chỉ bằng 1/3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3-5 năm dẫn tới việc doanh nghiệp phải bù lỗ lãi suất và vẫn phải "chịu thua" ngay khi đặt bút ký vào bản hợp đồng BOT.
Đặc biệt, trong khi việc tiếp cận vốn ngân hàng để đầu tư vào các dự án BOT của các doanh nghiệp không hề dễ dàng gì thì theo chia sẻ của một số doanh nghiệp đang tham đầu tư dự án BOT lĩnh vực giao thông cho biết: Doanh thu của họ hiện không đủ để trả lãi vay. Bởi trong thời gian 5 - 10 năm đầu, doanh nghiệp phải trả tới 50 - 70% chi phí lãi vay và chưa có lợi nhuận để hưởng các ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và đến khi có lợi nhuận thì lại hết thời gian ưu đãi này.
Còn theo đại diện của công ty CP hầm Đèo Cả thì có 2 vấn đề khiến doanh nghiệp đầu tư BOT vào lĩnh vực hạ tầng giao thông sợ nhất đó là:
Thứ nhất, doanh nghiệp phải ứng vốn để giải phóng mặt bằng vì Nhà nước chưa có vốn. Đơn cử, Đèo Cả đã ứng hơn 500 tỷ đồng song đến nay, chưa có sự chia sẻ về lãi suất với số vốn ứng trước này.
Thứ hai là hoạt động thu phí, các quy định về thuế, phí, giá dịch vụ…
Doanh nghiệp này đề nghị, việc điều chỉnh giá phí phải được ghi vào trong hợp đồng để doanh nghiệp chủ động tính toán vốn, chứ hiện giờ toàn bị động.
Đồng thời, chi phí giải phóng mặt bằng liệu có được Nhà nước chia sẻ lãi suất không?
Hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, nhu cầu cần vốn đầu tư vào lĩnh vực giao thông trong thời gian tới là rất lớn và đây sẽ là cơ hội đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, những vướng mắc nêu trên nếu không được giải quyết thấu đáo và dứt điểm thì Bộ Giao thông Vận tải có mời thì họ cũng phải lắc đầu!