Đầu tư công: Giảm nhưng chưa hiệu quả
Theo TS. Võ Trí Thành, cần có quyết sách tổng thể về chi tiết các mục tiêu và tiêu chí để làm cơ sở khi thực hiện tái cơ cấu đầu tư công.
Đầu tư công đã chững lại
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đầu tư công so với GDP trong 6 tháng đầu năm 2013 tiếp tục giảm so với cùng kỳ 2012. Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2013 chỉ vào khoảng 29,6% GDP, trong đó đầu tư từ khu vực Nhà nước chỉ chiếm chiếm 37% tổng vốn. Trong khi vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện sáu tháng đầu năm 2012 bằng 34,5% GDP, trong đó vốn khu vực Nhà nước chiếm 36,8% tổng vốn.
Bà Hồ Thanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê) nêu cụ thể: năm nay, số dự án có vốn từ 15 tỷ đồng trở lên đã giảm từ 7.200 (năm 2012) xuống còn gần 6.500 dự án; có 21 tỉnh ước thực hiện đầu tư giảm mạnh.
Trước tình trạng suy giảm của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức không giấu nổi lo ngại: “Đừng hy vọng giảm đầu tư mà vẫn tăng trưởng. Việt Nam chưa cải thiện được cơ cấu kinh tế yếu kém, tăng trưởng vẫn dựa vào vốn và lao động, nếu tiếp tục giảm đầu tư thì tài sản cố định sẽ không tăng thêm được nữa”.
Cùng băn khoăn với ông Thức, bà Hồ Thanh cho rằng, tỷ lệ đầu tư công trong GDP không thể thấp hơn 30% và đưa ra so sánh: các quốc gia tăng trưởng mạnh của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ đạt tỷ lệ đầu tư công trong GDP vào khoảng 40-41%, có năm tới 47%. Một số nước có tỷ lệ này thấp như Singapore chỉ chiếm khoảng 22%, song đó là do nước này đã không còn nhiều dư địa để đầu tư vào kết cấu hạ tầng.
Dù mức đầu tư công giảm nhờ sự chủ động của chính sách, song theo nhận xét của ông Nguyễn Xuân Thành (Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright) tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân, tổ chức hồi tháng 4 năm nay, mục tiêu khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí lại không thực sự rõ ràng và chưa có kết quả. Nhận định này được thể hiện qua một loạt dẫn chứng về tình trạng đầu tư công trong khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển, điện năng… vẫn tồn tại nhiều rủi ro và nguy cơ lãng phí.
Tái cơ cấu là xét đến hiệu quả đồng vốn
Là một trong 3 nội dung quan trọng trong đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, song những động thái để tái cơ cấu đầu tư công vẫn yếu ớt. Cho đến nay, Thủ tướng Chính phủ mới ký duyệt các chương trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế, tái cấu trúc khu vực tài chính ngân hàng và khu vực DNNN.
Qua 2 năm thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg về quản lý vốn đầu tư từ nguồn ngân sách, việc phân bổ vốn đã khắc phục bước đầu được tình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát lãng phí tại các địa phương.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có thông báo và hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2014-2015.
Theo đó, Bộ thông báo dự kiến kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2014-2015 theo ngành, lĩnh vực và các khoản bổ sung có mục tiêu. Việc thông báo dự kiến kế hoạch nguồn vốn này, cùng với vốn cân đối từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác nhằm giúp cho các bộ ngành, địa phương chủ động trong việc cân đối các nguồn vốn, khắc phục tồn tại hạn chế trong việc lập và thực hiện kế hoạch đầu tư.
Nhưng, theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thông báo này vẫn thiếu tính cụ thể, bởi vậy khi thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Thành giải thích, tái cơ cấu đầu tư công là quá trình dài hơi, gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, song lại đặt trong bối cảnh hiện tại vừa phải tiếp tục kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, vừa cần hỗ trợ DN, xử lý nợ xấu, giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản… chắc chắn sẽ gây ra nhiều “giằng co” trong quá trình thực hiện. Đặt mục tiêu và tiêu chí cho đầu tư công trong bối cảnh trung hạn và dài hạn vẫn còn nhiều vấn đề mâu thuẫn.
Do đó, theo ông Thành, cần có quyết sách tổng thể về chi tiết các mục tiêu và tiêu chí để làm cơ sở khi thực hiện tái cơ cấu đầu tư công.
Tuy nhiên, Phó Viện trưởng của CIEM cũng giải thích ngay rằng, sở dĩ cho tới nay chương trình tổng thể này chưa được phê duyệt, vì xung quanh câu chuyện đầu tư công có rất nhiều vấn đề phức tạp.
Thứ nhất là việc đánh giá hiệu quả của đầu tư công liên quan đến vai trò của khu vực DNNN, hiệu quả dự án, tác động môi trường, xã hội, tác động lan tỏa, cũng như những vấn đề vĩ mô như nợ công, thâm hụt ngân sách,…
Thứ hai, nguồn đầu tư công rất phức tạp: ngân sách, trái phiếu, tín dụng nhà nước, đặc biệt là ODA cho vay lại, đầu tư của DNNN.
Thứ ba, vấn đề phân quyền giữa Trung ương và địa phương cũng là đề tài gây tranh cãi suốt thời gian gần đây. Cuối cùng là rất nhiều khung khổ pháp lý cần hoàn thiện hoặc làm mới, ví dụ Luật Ngân sách, Luật Mua sắm Chính phủ, Luật Đầu tư công…
“Những vấn đề này giải thích tại sao cho đến nay vẫn chưa thông qua được chương trình tái cấu trúc đầu tư công riêng biệt, dù trong bối cảnh hiện tại là rất cấp bách”, ông Thành cho biết.
Theo Ngọc Khanh